Văn AK5
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Tặng những người nông dân hiền lành, chất phác quê mình.

Go down

Tặng những người nông dân hiền lành, chất phác quê mình. Empty Tặng những người nông dân hiền lành, chất phác quê mình.

Bài gửi by nguyenpham_2009 15/10/08, 08:15 am

Chân đất
Tư Cầm nhắm mắt lại. Ông tưởng tượng đến lúc mình bị dẫn ra pháp trường, mắt bị bịt kín bằng miếng vải đen; sau đó người ta sẽ cột chặt ông vào một cái cột. Yên lặng rợn người, rồi những tiếng súng vang lên. Thế là chấm hết một kiếp người. Thôi, vậy cũng được. Năm nay ông bảy mươi mốt rồi. Nhân sinh thất thập cổ lai hy. Ông đã sống đủ rồi, đã hưởng thụ đủ cả hỉ nộ, ái ố của một kiếp nhân sinh rồi, chẳng còn tiếc nuối gì nữa…
Nhưng nói thì nói vậy thôi chớ làm sao mà không tiếc, không đau?
Ông bị kết án tử hình vì tội cố ý làm trái, gây thiệt hại tài sản nhà nước hằng trăm tỉ đồng. Hình như ông còn bị ghép tội tham ô, tham nhũng với số tiền lên đến bạc tỉ. Và nghe đâu ông còn phạm tội lập quỹ đen trái phép… Người ta nói vậy thì ông nghe vậy chớ đến giờ này, lúc ngồi trong trại biệt giam chờ chết, ông có cầm trong tay được đồng nào đâu?
Vợ ông hi sinh trong một trận chống càn trên kênh Cờ Đỏ năm một ngàn chín trăm sáu mươi tám. Từ đó, ông ở vậy nuôi con, chưa một lần nghĩ đến chuyện đi bước nữa. Hòa bình về, người ta cắt cử cho ông cái chức giám đốc nông trường. Ông nhận vì nghĩ rằng, cái chuyện làm nông thì có gì khó? Từ thuở ông cố, ông sơ của ông đã gắn bó với mảnh ruộng, miếng vườn. Cứ cày đất lên rồi gieo hạt. Thế là xong.
Cái nông trường của ông có đến hằng ngàn hecta. Thời buổi đó, người ta “lùa” nông dân vô nông trường và đặt cho một cái tên nghe thật oách: Nông trường viên. Những nông trường viên của ông có người là dân bản địa, có người là dân tứ xứ tụ hội về. Chậc, dù họ là ai thì cũng là con dân của cái dãi đất hình chữ S này. Ông đã đi qua hai cuộc chiến tranh để đất nước có ngày độc lập, dân tộc có ngày tự do, dân cày có ao sâu, ruộng cả. Thế thì, hà cớ gì ông lại không giao đất cho họ mần ăn, cho họ “suy nghĩ trên những luống cày của mình” như lời Lê Nin dạy?
Kết quả của cách làm ấy là lúa chất đầy kho, rơm trãi đầy đồng, dân tình no ấm. Ông lại nghĩ ra phải làm cái nhà máy xay xát, cái nhà máy chế biến nông sản theo mô hình nông trang tập thể ở nước Nga xô viết. Trời phù hộ nên làm tới đâu, trúng tới đó. Những người nông dân chăm chỉ làm ăn, ngày càng giàu có phát đạt.
Bí thư tỉnh ủy gặp ông, vỗ vai: “Không ngờ anh Tư làm ăn giỏi quá! Hay là mình ở rộng quy mô nông trường lên vài ngàn hecta nữa? Anh nhắm có gánh nổi không?”. Ối, chuyện có gì mà phải hỏi. Không biết thì cứ vừa làm, vừa học.
Thế là quy mô nông trường phình ra. Bộ máy quản lý cũng phình ra. Từ mười mấy người, nay đã lên hơn hai trăm người. Các ban bệ có đủ cả. Đặc biệt, Kim Thoa, cô con gái rượu của ông, sau khi tốt nghiệp đại học nông nghiệp, cũng về phụ cha quản lý nông trường. Ông phong cho con làm phó giám đốc để cùng mình quản lý, điều hành nông trường. Con gái nhờ đức cha. Chẳng mấy lúc mà con Thoa đã trở thành một lãnh đạo sáng giá, được đưa vào diện quy hoạch của tỉnh.
Để nhớ ơn những người đã nuôi giấu mình trong chiến tranh, ông cho người đi tìm con cái họ, gom về giải quyết việc làm. Trong đó, thằng Tám con má Sáu ở Vĩnh Châu và con Thu, cháu ngoại của dì hai ở Mỹ Tú được ưu tiên cho làm kế toán trưởng và thủ quỹ.
Hai đứa giẫy nẫy không chịu thì ông nạt ngang:
- Có gì khó đâu mà làm không được? Đánh Mỹ mà tao với ba má tụi bây còn làm được nữa là… Làm đi, có gì, tao chịu.
Đã có một thời, nông trường của ông nổi đình, nổi đám cả nước. Hai cha con được mời dự đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp khu rồi toàn quốc. Đặc biệt, có lần ông ra Hà Nội dự hội nghị nhưng khi xuống máy bay, ông lại vứt luôn đôi dép “vì tao quen đi chân đất rồi, giày dép vướng víu, khó chịu lắm”. Từ đó, ông lại có thêm biệt danh “Ông Tư chân đất” bên cạnh cái tên Tư Cầm cúng cơm của ông.
Tiếng là giám đốc một nông trường làm ăn nổi đình nổi đám, là mô hình thí điểm của cả nước nhưng ông Tư Cầm vẫn được nhiều người khen là giản dị, hòa đồng. Sáng nào ông cũng chân đất lội ruộng, đi nơm cá, tát đìa với bà con; tối nào ông cũng trãi chiếu ra sân, nướng cá lóc, tôm càng nhâm nhi ba xị đế với đám con cháu trong điền. Ông chơi “xả láng sáng về sớm” với các đoàn khách tham quan khắp nơi nườm nượp đổ về nông trường học tập kinh nghiệm.
Ông nổi tiếng khắp vùng vì cái tình hào sảng. Thằng năm Ròm bị lốc làm tốc mái nhà, nó chạy lên báo cáo với ông. Lập tức ông bảo: “Kêu con Thu xuất cho 50 triệu cất lại cái nhà cho đàng hoàng”. Chú Tám Quang, bạn chiến đấu trong cứ ngày xưa giờ làm giám đốc công ty tư nhân, thiếu vốn làm ăn, ông xuất luôn cho vay 1.000 tấn gạo để “gọi là chỗ anh em, bạn bè chí cốt giúp nhau lúc khó khăn”.
Rồi con thằng Bảy, con Chín, thằng Mười… học hết cấp III, ông cấp tiền cho đi Liên Xô, Đông Đức du học. “Sau này về nhớ phục vụ nông trường nghe chưa”- ông căn dặn khi đưa tiền cho cha mẹ chúng. Sau này khi Liên Xô tan rã, ông lại cho tiền bọn con cháu đi Nhật, đi Xing… Những khoản chi như vậy nhiều “vô thiên lủng” nhưng lại không có bất cứ một hóa đơn, chứng từ nào xác nhận. Và cũng chẳng có mấy người hoàn trả.
Thằng Tám kế toán trưởng thấy ông vung tay quá mạnh, liền hiến kế:
- Mình phải lập cái quỹ riêng để chi cho những việc như vầy bác Tư à. Chớ con thấy làm như xưa nay là không ổn.
Ông gật ngay:
- Vậy thì mày lập đi!
Vậy là ông có cái quỹ đen mà sau này, cơ quan điều tra rồi tòa án khi xét xử gọi tên ông mới biết. Chớ xưa nay ông vẫn nghĩ, đó là quỹ chi cho những việc cấp thiết của bà con “trong điền”. Cái “điền” mà đã có lúc, người ta gọi là hình mẫu của “chủ nghĩa cộng sản” vì ở đó, người ta làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu.
Tới khi đất nước mở cửa, nhiều người thấy làm nông cực nhọc mà chẳng giàu nổi nên âm thầm chuyển nhượng hết đất cho người khác rồi bỏ đi. Tới khi ông biết được thì các “nông trường viên” kỳ cựu chẳng còn lại mấy người. Quản lý đất giờ đây là những người lạ hoắc. Họ lại bắt đầu phát canh, thu tô như bọn địa chủ trước đây. Đến lúc ấy, dư luận phong phanh là nông trường sắp bị thanh tra. Rồi dư luận thành hiện thực. Đoàn thanh tra của tỉnh xuống “thanh tra toàn diện” việc quản lý, sử dụng đất đai và tài sản; thanh tra việc thu chi tài chính của nông trường trong giai đoạn 5 năm trở lại đây.
Thế nhưng, khi đoàn Thanh tra xuống, ông xách mác cấm phập trước sân:
- Đ. M. thằng nào đòi thanh tra, tao chém chết mẹ!
Vậy là không ai dám vào. Tỉnh lại lập đoàn thanh tra thứ hai, thứ ba, Nhưng cũng không xong. Cuối cùng Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc.
Cũng phải mất hết 3 năm người ta mới đưa ra được kết luận. Thêm chừng ấy năm nữa để truy tố, xét xử. Cả hai cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm đều phán ông tội chết vì “cố ý làm trái, gây thiệt hại tài sản nhà nước hằng trăm tỉ đồng; tham ô, lập quỹ đen trái phép…”.
Con gái ông cũng bị 20 năm tù.
Tám Quang, người bạn thân trong cứ hồi nào đã từng được ông cho vay 1.000 tấn gạo vào tù thăm nuôi và khuyên ông làm đơn xin chủ tịch nước cứu xét. Ông làm thì làm chứ chẳng mấy tin mình thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Ông nói với Tám Quang:
- Trước sau gì rồi cũng phải chết. Nhưng chết như vầy, thiệt là… lãng xẹt! Thằng Tám mày có thấy như vậy không? Cái hồi tên bay đạn lạc, bom pháo dội trên đầu như vãi trấu mà không chết; giờ hòa bình rồi lại chết… vì cái gì cũng không biết nữa! Mày coi có lãng không? Má con Thoa mà biết được, chắc bả buồn lắm…
Trong những ngày trong trại biệt giam, ông nghĩ nhiều đến sự sống chết; nghĩ đến những điều vượt quá tầm tay của mình. Làm kinh tế đâu có dễ. Năm xưa, khi đối mặt với kẻ thù, ông cứ giơ súng lên ngắm và bóp cò. Thằng địch sống, chết là thấy rõ; mình sống chết thì cũng biết ngay. Còn bây giờ, ông chẳng biết ngắm ở đâu và bóp cò khi nào bởi chẳng có ai dạy ông điều đó cả. Ông bỗng thấy tiếc. Giá như, khi người ta giao cho ông cái chức giám đốc nông trường, ông từ chối thì giờ này, hẳn đã vui thú điền viên. Có đâu lại thành một tên tội phạm nguy hiểm như vầy!
Nghĩ nhiều quá, ông thấy nhức đầu. Ông nhắm mắt, tựa lưng vào tường, hình dung bức tường lạnh giá sau lưng là chiếc cột ở trường bắn…
- Bác Tư ơi, bác Tư ơi… có tin vui.. có tin vui…- anh quản ngục hớt hơ hớt hải vừa chạy, vừa kêu.
Ông mở choàng mắt nhưng vẫn ngồi yên:
- Chuyện gì vậy chú em?
- Có lệnh ân xá của chủ tịch nước… bác thoát chết rồi… Lát nữa, ban lãnh đạo sẽ xuống trao quyết định cho bác…
Giọng anh ta hụt hửi, y như thể người được ân xá là anh ta chứ không phải là ông…
Ông được chuyển sang một trại giam khác.
Buổi sáng ông đi, trời vần vũ muốn mưa. Ông ôm cái túi xách đã cũ sờn trong đó có ảnh con gái và người vợ quá cố. Ông đi qua khoảng sân của trại giam, thấy hai chân mình nhẹ hẫng.
Anh quản ngục chạy theo, gọi giật giọng: “Bác Tư ơi, bác còn bỏ quên đôi dép nè”….
Hồng Vân
nguyenpham_2009
nguyenpham_2009

Virgo Tuổi : 60
Đến từ : thành phố Hồ Chí Minh
Tổng số bài gửi : 3
Điểm : 0
Đã Được Cảm Ơn : 0
Registration date : 11/10/2008

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết