Văn AK5
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

PHƯỚC HIỂU GỬI TIẾP BÀI CẢM NHẬN 2 NHÉ

Go down

PHƯỚC HIỂU GỬI TIẾP BÀI CẢM NHẬN 2  NHÉ Empty PHƯỚC HIỂU GỬI TIẾP BÀI CẢM NHẬN 2 NHÉ

Bài gửi by phuochieu 11/12/13, 04:31 pm

Người lái đò tâm huyết
Đưa từng lớp học trò
Sang dòng sông tri thức
Ươm mầm xanh đơm hoa.

Rồi đến chuyến cuối cùng
Chòng chành bao tiếc nhớ
Một con đường đã qua
Ngày tháng xưa…dần xa.

Vâng, hình ảnh người thầy xưa nay luôn được ví với nghề chèo đò cần mẫn đưa bao thế hệ học trò chinh phục dòng sông tri thức, như người làm vườn tháng ngày ươm những mầm xanh.
Là một người yêu thơ, lại là một giáo viên nên tôi thích những vần thơ viết về nghề giáo. Điều may mắn trong cuộc đời tôi là được quen biết, tiếp xúc với cô Nguyễn Phước Hiểu (ThS – Trưởng Bộ môn Văn học trường Đại học Đồng Tháp). Cô là một nhà giáo luôn trăn trở, tâm huyết với nghề. Cô còn là một nhà thơ gắn bó với vùng đất Đồng Tháp (với bút danh Hữu Phước). Giờ đây, đã là chuyến đò cuối cùng, cô đã về đến đích. Có lẽ không tả hết những cảm xúc hiện giờ - cảm xúc của một người đã đi hết chặng đường với biết bao kỉ niệm khó phai, biết bao lưu luyến vơi đầy. Trái tim nhiệt huyết của một nhà giáo hòa quyện cùng một tâm hồn thơ dạt dào, cháy bỏng đã phải bùi ngùi, thổn thức, tiếc thương kỉ niệm về một thời đã qua.
Thời gian êm đềm trôi nhanh, vô tình, hờ hững. Những kỉ niệm thắm màu phượng đỏ bên các thiên thần áo trắng, bên bạn bè, đồng nghiệp giờ đã lùi xa.
Tập thơ “Nỗi nhớ thời gian” tập hợp 55 bài thơ đã đánh dấu một bước ngoặc quan trọng trong cuộc đời. Với những thể thơ quen thuộc, gần gũi đã thể hiện cảm động những cảm xúc chân thành, tha thiết. Thể thơ lục bát uyển chuyển, dạt dào âm hưởng ca dao. Thể thơ tự do ( thường là câu 7 chữ, 8 chữ) chắc khỏe, khoáng đạt mà cũng rất mượt mà. Thể thơ 5 chữ bình dị dùng phơi trải tâm tình, bộc bạch suy nghĩ một cách thủ thỉ, nhẹ nhàng.
Qua tập thơ, tác giả hướng cảm xúc chân thành và rung động mãnh liệt đối với quê hương đất mẹ.
    Bằng sự gắn bó, am tường về vùng quê Đồng Tháp với những nét đặc trưng riêng, nhà thơ mời gọi thiết tha “Mời anh về Đồng Tháp quê em”. Lời mời ấy trở đi trở lại đã nêu bật niềm yêu mến, tự hào về quê hương.
    Viết về vùng quê Hà Tĩnh với nỗi niềm của người con xa quê, nhớ quê, nhớ mẹ. Hình ảnh người mẹ già một đời lận đận vì đàn con nay đã quá già yếu, không còn phân biệt người thân kẻ ngoài. Nay con về thăm cũng trở thành người lạ, thật quá đỗi xót xa!
    Tình quê gắn với nỗi nhớ quê. Bằng vần thơ lục bát dung dị, mộc mạc mang âm hưởng lời ru, cách ngắt dòng thơ tạo cảm xúc ngậm ngùi phù hợp với tâm trạng của người con xa quê, nhìn đâu cũng thấy bóng dáng quê nhà.
                                       Ừ xa
                                                 thì cũng
                                                               xa rồi
Mấy mươi năm
                            đã là người
                                                ly hương...


Ví dầu, ví dẫu, ví dâu
Dẫu đi xa,
              dẫu thế nào,
                                quê ơi!...
(Nỗi quê)
    Người xa quê như những cánh lục bình trôi nổi, tím màu chia ly, buồn nhớ.
Trái tim xanh là lá
Mong manh tím là hoa
...

Hoa chở niềm thương nhớ
Theo mỗi bước chân xa
(Lục bình trôi...)
    Nhớ quê là nhớ cánh đồng xưa, khu vườn xưa, nhớ cha mẹ khó nghèo vất vả, nhớ mùa xuân xưa, nhớ vòm trời mộng mơ... Nỗi nhớ ấy khắc khoải theo thời gian. Một góc quê hương nửa đời thương nhớ...


Một góc tim con
                             in bóng quê nhà

Sương khói thời gian khát vọng không lời
Để ngàn năm
                       còn da diết khôn nguôi...
( Quê nhà)
“ Nỗi nhớ thời gian” cho ta niềm tiếc nuối và trân trọng hơn với những kỉ niệm thời thơ ấu, thời áo trắng mộng mơ và một thời gắn bó với bảng đen, phấn trắng.
    Nỗi nhớ ấy là nỗi thao thức, trăn trở về quá khứ, về sự chảy trôi của thời gian (Thao thức). Đặc biệt, ở bài “Phượng rơi”, cách bố trí câu thơ, sắp đặt con chữ đã thể hiện rõ trạng thái rơi của phượng và bước đi của thời gian.
                   

                       PHƯỢNG
                                          RƠI...


Phượng đỏ trời như bao mùa cũ
Nắng ngọt ngào như thuở đó xa xăm
Thời gian rơi
                       thời gian rơi...                                              
                                                   đầy tràn nỗi nhớ

Rồi ngày mai
                     ngày mai nữa...
                                                     ngày mai...
Ta rẽ lối.Ừ đâu chỉ mình ta
                                            thôi đừng tiếc nuối
Dẫu vắng ai
                    phượng vẫn mênh mang
                                                             ngập lối đi- về

Từng cánh phượng
                                   rơi vào dĩ vãng...
Làm sao ngăn nổi bước thời gian?
Thôi thì đành
                         thôi thì đành...
                                                  nương theo gió mây
Gom hết tháng ngày
                                  chất đầy hành trang
                                                    tươi màu phượng đỏ...
   
    Với trái tim của một nhà giáo luôn yêu người, yêu nghề. Giờ đây, khi phải giã từ bục giảng, tâm hồn người là cả một dòng sông cảm xúc mà tâm trạng là vô vàn con sóng. Trong bài ”Tiếc nuối”, vẫn là những điều quen thuộc gắn bó suốt chặng đường mà tác giả đã thốt lên trong nỗi bàng hoàng, thảng thốt.
Sao tất cả vội trở thành quá khứ
Cõi  trăm năm như áng mây trôi
    Lời thơ là cả một tiếng lòng thổn thức, đầy tiếc nuối, phơi trải tâm tư, niềm nhiệt huyết một thời ấp ủ.
Ừ thì cũng ngàn ngàn lần nuối tiếc
Không mãi còn xuân thắm để yêu thương ?
Mai mốt nắng mưa rải rắc xuống sân trường
Chắc nhiều lắm những giọt lòng  tha thiết…

    Tác giả cảm nhận được quy luật khắc nghiệt của thời gian với nỗi nhớ tiếc khôn nguôi.
Một lần thôi quy luật của thời gian
Thời tươi ấy... đâu phép mầu trở lại ?
(Lưu luyến)
    Tiếc nuối, ngậm ngùi nhưng không buồn thương, ủy mị. Ở bài “Nói với các em”, tác giả nhìn các em mà như thấy chính mình của ngày xưa, từ đó thắp lên niềm hi vọng từ các em. Lời nhắn gửi chân thành, tha thiết trở đi trở lại như một điệp khúc đã bất tử hóa tình yêu và ước vọng gửi gắm nơi các em.
Ngoan nhé các em- hành khách trái tim tôi
Đi qua hết thời gian, sẽ còn ở lại
Là tình yêu - trái tim đập đâu chỉ cho mình
Là ước mơ cái đẹp mãi trường tồn
    Không dừng lại ở đó, tác giả còn thể hiện niềm tin đối với các thế hệ sau này.
Ngày mai, ngày mai nữa - phía ngày mai
Vườn ươm ấy bao tay người vun xới
Miền xanh ấy cứ mãi xanh vời vợi
Ơi khoảng trời ta đã quá yêu thương…
(Vườn ươm)
    Đọc “Nỗi nhớ thời gian”, ta thấy một trái tim luôn “Nặng tình”, luôn vương vấn, trở trăn, thổn thức.
Cũng vậy thôi
                  những Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,
                                                                   Nguyễn Khuyến...
Về vui cỏ cây dẫu vẫn nặng tình đời
Để cháy bỏng những vần thơ trăn trở
Để khát khao còn treo giữa bầu trời
Người đã tự an ủi mình bằng quy luật thời gian – quy luật cuộc đời.
Quy luật cuộc đời hợp để rồi tan
Tre già măng mọc băn khoăn làm gì
Đến giữa trần gian trái tim cuộn sóng
Cũng đủ rồi năm tháng đã cho ta
Thời gian luôn là nỗi ám ảnh, nỗi nhớ vô bờ của tác giả về những điều còn tươi nguyên trong quá khứ, nên thời gian cứ chảy suốt chiều dài của tập thơ, chảy tràn qua các bài thơ, câu thơ, qua từng con chữ. Ngay bài “Đầu năm” (bài mở đầu tập thơ) đã thể hiện rất rõ vòng xoay của thời gian. “Đầu năm – Cuối năm” cứ đan xen, hòa điệu vào nhau làm nên bước đi của thời gian.
    Tác giả lấy “sóng nước” thể hiện dòng chảy thời gian, ngược miền thời gian trở về quá khứ.
Cho ta viết bài thơ trên sóng nước
Dập dềnh thương nhớ tháng năm xa
Bằng mạch cảm xúc dạt dào, tác giả gửi lời nhắn nhủ đến mai sau khi viết bài thơ trên sóng.
Bài thơ viết trên sông còn để ngỏ
Ngàn năm đời viết tiếp... khúc tình quê
Bởi ngàn năm trăng sao còn soi bóng  
Ngàn năm sau mưa nắng vẫn dạt dào….
(Bài thơ trên sóng)
    Vẫn là những câu lục bát dân gian mang âm hưởng điệu nói, cách ngắt câu tạo cảm giác ngậm ngùi và khoảng lắng trong lòng người.
   Ta về ngắm mãi sông trôi
Thảnh thơi mây trắng nghiêng soi giữa dòng
   Lục bình ai thả trên sông
Bềnh bồng ngọn sóng cho lòng ta say

  Ta về
              lặng lẽ
                           chiều nay
Tác giả nhớ về quá khứ tuổi thơ rất đỗi hồn nhiên.
Một sân đầy nắng hoa mai khoe vàng
   Nhìn sông mà nhớ mênh mang
Một thời tuổi nhỏ tết sang vui đùa
Hiện tại và quá khứ đan xen, lấy hiện tại so sánh với quá khứ mà nhớ về quá khứ.
Nắng giờ có phải nắng xưa
Gió giờ có phải giao mùa năm nao?
    Mẹ giờ chắc ở trời cao
Góc vườn mộ trắng lá xào xạc đưa
    Tiếng chim như của ngày xưa
Dòng sông cần mẫn đón đưa tháng ngày
Bằng cách điệp lại câu thơ, tạo sự lắng đọng mà âm vang mãi trong tâm tưởng người đọc.
                      …
Ta về
           lặng lẽ
                         chiều nay …
    “ Nỗi nhớ thời gian” là nỗi nhớ về quá khứ nên tập thơ thường thấy hiển hiện rất nhiều từ “xưa”, “xa” “cũ”... Khảo sát trên một bài thơ, ta thấy rõ điều này.

CHO NGÀY MAI


                      Có một ngày em ngang qua trường cũ
                      Ngập ngừng cơn gió gọi ngày xưa
                      Tiếng cười nói xôn xao như thủa ấy
                      Mây trên trời có phải bóng mây xa?

Em hãy về để cùng ta đếm bước
Con đường xưa đầy những dấu chân xưa
Bao nhiêu năm có dài không nỗi nhớ ?
                     Kết thành bài ca tuổi trẻ hôm nay…

Ký ức thời gian ngập tràn hoa đỏ
Trường xưa ơi đâu bóng người xưa
Một ngày nào …ta cũng thành ký ức
Nắng mưa nơi này có nhớ nỗi niềm xưa?

Còn phía trước là ngày mai xa lắm
Nơi ươm mầm mơ ước sẽ lớn lên
Lũ lượt thời gian đi làm quá khứ
Chấp cánh hôm nay bay đến trời xa…

Cảm ơn ngày tháng cũ đã xa xôi
Kho vô tận yêu thương và nỗi nhớ
Cho ngày mai ôm vẹn tròn mơ ước
Cho ngày mai…vườn ươm mãi tươi xanh …
    Biết bao tiếng lòng tha thiết, biết bao tâm tình trao gửi trong thơ, bắc nhịp cầu để người sau thấu hiểu, tri âm.
Không biết mai sau người có nhớ
Một trái tim như thể dòng sông
Tràn yêu mến dẫu bên bồi bên lở
Ôm trọn nắng mưa, giông bão vào lòng
(Mai sau...)
Mai sau  dù có bao giờ
                  Ai tri âm đó ...bài thơ có thần
  Nhắc đến ta dẫu một lần
                  Thì xa xôi mấy...
                                           cũng gần bên nhau...
                                                   
(Cõi mình)
         Một trăm năm, một nghìn năm…
Ta không còn nữa ai thầm nhớ ta ?
(Xưa)
Tác giả thể hiện niềm yêu đời, yêu cuộc sống bằng những hạnh phúc đời thường, dung dị. Tình vợ chồng đặt trong khoảng thời gian xa cách để bộc lộ nỗi nhớ niềm yêu.

Anh đi xa nhà chật ních nỗi buồn
Em và nỗi cô đơn
                                 đi- về lặng lẽ...
(Anh đi xa)
Vẫn là cách ngắt dòng thơ một cách độc đáo, sáng tạo trong cách sử dụng ngôn từ. Không phải là sự trống trải mà là chật ních để rồi từ nỗi buồn vang lên làm ta đau nhói (chật ních nỗi buồn). Quan hệ từ “và” cùng với cặp từ “đi-về” tưởng đâu gắn kết, song hành nhưng thật tê tái cõi lòng khi đặt Em cạnh nỗi cô đơn, đi – về cạnh lặng lẽ.
Em và nỗi cô đơn
                                 đi- về lặng lẽ...
    Tình yêu, hạnh phúc được vun đắp bởi thời gian.
HẠNH PHÚC



Ai ôm gió gom mây về xây cất
Ngôi nhà cho tình yêu
Nóc cao vời lợp bằng  thuỷ chung
Gió mây sẽ là vật liệu vững bền?

Gió mây- hơi thở đất trời
Ngôi nhà tình yêu đúc bằng viên gạch thời gian
Trang trí nội thất là bao ước nguyện
Mỗi ngày đôi ta gặp nhau như...
                                    lần gặp đầu tiên

Ngôi nhà ấy
                               mang tên  hạnh phúc
    Quay ngược thời gian trở về với những người thân yêu. Trong kí ức ngọt ngào của con, mẹ là bến đậu bình yên, mẹ là quê hương yêu dấu đã nuôi dưỡng tâm hồn con, chấp cánh cho ước mơ con bay cao, bay xa…
Mẹ là ngôi nhà xưa


Mẹ là khu vườn xưa


Mẹ là cánh đồng xưa


Mẹ là dòng sông xưa

(Mẹ)
Nhớ về “Giọt mồ hôi” của ba.
Giọt mồ hôi thấm áo
Bạc phếch cả tháng ngày
Để rồi tác giả thảng thốt, bàng hoàng khi hiện tại … không còn ba. Một đời ba vất vả, hi sinh, giờ chỉ còn là kí ức hiện về trong nỗi nhớ của con.
Vườn cây ba gieo trồng
Vẫn cứ xanh vời vợi
Bụi tre già đứng ngóng
Ba nơi nào ba ơi ?
Bằng sự nếm trải của đời mình, khi viết cho con, tác giả viết bằng tất cả “Suối nguồn yêu thương”.
Con là sự sống của mẹ cha
Khi con lớn lên tràn đầy năng lượng
Là lúc người sinh ra con chạm cổng tuổi già
Vẫn muốn chăm sóc con như ngày con mới sinh ra

Thời gian trôi đi...
                              hoá thành nỗi nhớ
Con dần cách xa vòng tay ấm êm
Như cánh chim
Bay vút bầu trời kiếm tìm ước vọng ...
    Ngược dòng thời gian, tác giả cảm nhận sâu sắc kỉ niệm thời áo trắng tinh khôi qua các bài: “Ngang mái trường xưa”, “Gọi về”, “Lối cũ”, “Một ngày…”
Nếu trái tim của một nhà giáo là một trái tim yêu nghề, yêu người thì trái tim của một thi sĩ đa cảm là trái tim luôn rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Người luôn nặng tình với từng cảnh vật, từng vùng đất mà mình đã đi qua. Điều này thể hiện ở các bài: “Xứ mơ…”, “Phố núi”, “Về với biển”, “Cõi tình yêu”, “Với Côn Đảo”, “Tây nguyên”, “Về Trà Vinh”…Đặc biệt, tôi rất thích bài “Về Trà Vinh” bởi vì bài thơ này có cả bóng hình tôi và bè bạn trong lớp học của tôi mà tác giả là người thầy dìu dắt chúng tôi trên một đoạn đường học vấn.
Về Trà Vinh ta biết em đang đợi
Một tình yêu theo năm tháng đầy vơi
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”
Tất cả những nơi chốn cùng những kỉ niệm mà cô – trò chúng tôi đã đi qua đều được gợi nhắc bằng những lời thơ dạt dào cảm xúc. Những kỉ niệm đẹp ấy cùng với hình ảnh người thầy hết mình vì chúng tôi sẽ mãi ghi dấu trong cuộc đời tôi. Dù đã đọc bài thơ nhiều lần, tôi vẫn không kìm nén được sự xúc động khi đọc đoạn kết.
Về Trà Vinh rồi sẽ chia xa
Nói sao hết những tâm tình lưu luyến
Nói sao hết những lời trìu mến
Thôi ta về gom kỷ niệm mang theo...
Nói đến thời gian, có một chút gì đó giống nhà thơ Xuân Diệu, tác giả rất yêu mùa xuân – mùa của tuổi trẻ, hạnh phúc, tình yêu. Nhiều bài thơ viết về mùa xuân như: “Vườn xuân”, “Tháng chạp”, Bước xuân”, “Ngóng đợi…”. Đặc biệt là bài “Hương mai”, tác giả gửi vào thơ những gì đẹp nhất để lưu giữ, để cái đẹp có thể tồn tại mãi mãi.
Ta cất giữ hương mai
Vào bài thơ bé nhỏ
Ngàn năm sau còn đó
Bồi hồi trước thềm xuân
...

Một mình ta thơ thẩn
Gói hương mai kỹ càng
Gửi vào đây thơ nhé
Ngàn năm nữa chưa tan...
“Nỗi nhớ thời gian” dùng ngôn ngữ giản dị đời thường, không gọt giũa, trau chuốt. Thế nhưng, một số bài vẫn mang đậm chất triết lí. Ở bài “Hãy sống như…”, tác giả đặt ra giả thiết ở tương lai – ngày mai không còn được sống để thấy rằng ta cần sống hết lòng, chăm lo cho nhau, thành thật với nhau, trân trọng hiện tại bởi thiên đường luôn ở quanh ta chứ có xa xôi gì mà tìm kiếm, phải biết nâng niu từng khoảnh khắc…để không phải nuối tiếc … ngày mai.
Nếu mỗi ngày qua ta với những đắm say
Chén rượu cuộc đời cứ rót tràn như thế
Thì ngày ấy ... có gì đâu nuối tiếc
Ta sẽ ra đi với hành trang đầy ắp…
Hay ở bài thơ “Còn”, tác giả quan niệm không có gì là mất mà chỉ là sự hóa thân cho những gì tốt đẹp để … tồn tại.
Tóm lại, là một người sống hết mình, rung cảm hết mình, yêu hết mình và …cho cũng hết mình, nhà thơ Hữu Phước đã bày tỏ những tình cảm hết sức chân thành, mộc mạc nhưng mãnh liệt, thiết tha nên “Nỗi nhớ thời gian” thật sự có sức lôi cuốn người đọc. Tôi tin rằng tập thơ này cũng sẽ sống mãi với thời gian và ngày càng đón nhận những tâm hồn đồng điệu.

Bến Tre, ngày 28 tháng 11 năm 2013                                                

Đứa học trò nhỏ rất yêu thơ

Nguyễn Lê Tiểu Ny
phuochieu
phuochieu

Taurus Tuổi : 66
Đến từ : TP Cao Lãnh
Tổng số bài gửi : 70
Điểm : 132
Đã Được Cảm Ơn : 0
Registration date : 03/01/2009

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết