Văn AK5
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Có một hồn thơ cất tiếng gọi mình- Hoàng Vĩnh- ĐẠI HỌC VINH- bài bình TT GỌI MÌNH

Go down

Có một hồn thơ cất tiếng gọi mình- Hoàng Vĩnh- ĐẠI HỌC VINH- bài bình TT GỌI MÌNH Empty Có một hồn thơ cất tiếng gọi mình- Hoàng Vĩnh- ĐẠI HỌC VINH- bài bình TT GỌI MÌNH

Bài gửi by phuochieu 27/11/13, 03:23 pm

CÓ MỘT HỒN THƠ CẤT TIẾNG GỌI MÌNH


Gọi mình là tên một tập thơ (tập thứ hai) của Hữu Phước - một bút danh nghe rất "nam tính" nhưng lại là một cây bút nữ. "Gọi mình" là gọi ai? Trong tiếng Việt, "minh" là đại từ có tính lưỡng trị. Có khi được dùng ở ngôi thứ hai (mình ơi, em gửi cho mình rồi đấy!); lại có khi được dùng ở ngôi thứ nhất (mình đã gửi cho anh ấy chưa nhỉ?). Cách thứ nhất dùng trong đối thoại, còn cách thứ hai dùng trong độc thoại. Tuy nhiên, sự phân định rạch ròi ấy chỉ tồn tại trong ngôn ngữ sinh hoạt hoặc ngôn ngữ văn xuôi. Thơ có kiểu phát nghĩa đặc thù của nó (không chỉ ở lời lẽ của câu thơ, bài thơ, mà cả ở nhan đề của tác phẩm). Gọi mình - tên của tập thơ ta đang đề cập - cũng là cách nói song nghĩa. Nó vừa nghe như lời đối thoại, lại có vẻ như độc thoại, vừa hướng tới một đối tượng nào khác ngoài "mình", lại vừa hướng vào thế giới bên trong của chính mình. Cũng dễ hiểu thôi, trong thơ, có đối thoại nào không là độc thoại, có độc thoại nào không là đối thoại?
Dẫu là đối thoại hay độc thoại, làm thơ, người ta cần phải "nói" điều gì thiết thân, bức xức nhất mà mình cảm nhận. Đó là những điều khuấy đảo tâm hồn, không cho người ta được nguôi yên, buộc phải giải tỏa bằng vần điệu. Thì đây, với Gọi mình của Hữu Phước, dễ nhận ra điều khuấy đảo tâm hồn chị là những chuyện rất riêng tư, thuộc về cõi riêng, dù nó hiện ra với nhiều dạng vẻ. Có khi là một "cõi mơ xa". Có khi là những khoảnh khắc bình yên. Lại có khi là những chuyện tưởng không đâu giữa "đời thường bận rộn". Vậy mà cũng cất tiếng gọi đến "khản cổ", lạc giọng. Làm thơ như thế là nhiễu sự, là kiếm chuyện, là đa đoan, đa sự, là lấy dây tự buộc mình vào những điều mà người ta thường dễ chậc lưỡi bỏ qua.
Đọc Gọi mình, không nghe những tuyên ngôn to tát của người viết. Nhưng nếu để ý, có thể thấy Nhuộm tình là một bài để lại lời "phi lộ" của một người rất có ý thức về những điều mình viết ra. Với Hữu Phước, làm thơ thực chất là một cách "nhuộm tình", là trữ tình hóa những gì đọng lại trong tâm thức mình. Chất liệu cuộc sống nhiều khi vốn trung tính, thậm chí trần trụi, đầy tính văn xuôi. Làm thơ là "nhúng" chất liệu đó vào dung môi cảm xúc để khiến nó lấp lánh những sắc màu mới lạ. Nhuộm tình là thanh tân hóa những gì đã thuộc về quá khứ: Chuyện xa xôi, chuyện ngày xưa/ Dường như ta chỉ mới vừa đi qua. Nhuộm tình là để nhìn thấy cái lớn lao trong mỗi cái bình thường, khiến chúng không mất và không trôi qua nhợt nhạt. Sự bất tử, nếu có của những câu thơ cũng là kết quả của sự hết mình cho thơ bằng hành động nhuộm tình như thế:
Dành lòng cho hết cõi thơ
Trút vào tất cả mộng mơ đời mình
Nhuộm thời gian, nhuộm cõi tình
Mai sau còn lại chút hình bóng xưa...
"Thao tác nhuộm tình" được thể hiện rõ nhất, đậm nhât ở mảng thơ viết về kí ức. Có thể khẳng định đây là mảng thơ quan trọng của tập Gọi mình. Mọi thành bại, hay dở của những bài thơ viết về kí ức là thước đo tình trạng chung của cả tập thơ. Theo một góc nhìn khác, mảng thơ này cũng góp phần bộc lộ một lối tư duy thơ, một trình độ thơ, một kiểu làm thơ với những sở trường, sở đoản không thể giấu diếm.
Kí ức được gợi lên ngay từ chính tên của các bài thơ: Đi ngang quá khứ, Về thăm kỉ niệm, Mùa đông qua, Thời ấy, Nền cũ, Trở về, Trăng xưa, Nói với kỉ niệm, Miền thương nhớ, Cảm hoài, Lời thì thầm tháng năm, Cõi lặng im... Kí ức cũng ẩn hiện thấp thoáng, đậm nhạt khác nhau trong những bài thơ Đi tìm, Hoa hồng cho mẹ, Trăng gọi...
Kí ức vốn là thứ chất liệu rất "hợp cạ" với thơ, ít nhất bởi hai điểm. Thứ nhất, những điều lưu giữ trong kí ức thường là được bao bọc bởi cảm xúc của chủ thể, rất gần với kiểu cảm xúc dậy lên trong những khoảnh khắc sáng tạo của người làm thơ. Thứ hai, được lọc qua thời gian, kí ức thường có độ "nhòe" nhất định, rất gần với kiểu kiến tạo hình tượng trong thơ. Song cũng vì thế mà thơ về kí ức thường dễ viết mà khó hay. Có cảm tưởng như bất cứ điều gì còn đọng lại trong ta cũng đều có thể thành thơ. Nhưng thơ ấy lay động người đọc đến đâu thì lại là chuyện khác. Không phải bao giờ những kỉ niệm rớm máu của người viết cũng là điều mà người đọc có thể đồng cảm, sẻ chia.
Thơ về kí ức của Hữu Phước cho thấy một tâm hồn nhạy cảm và đa đoan. Sự nhạy cảm cho phép người làm thơ "thấu thị" những gì tưởng đã khuất lấp dưới bao lớp bụi thời gian:
Ta đi ngang quá khứ
Thấy mình tuổi đôi mươi
Mắt còn vương ngấn lệ
Đến bây giờ chưa nguôi
(Đi ngang quá khứ)
Tuổi thơ ta và cả thời thiếu nữ
Tràn ước mơ thấm đất giọt mồ hôi
Cha làm đồng nắng trưa hè gay gắt
Con mang cơm cất tiếng gọi ơi hời...
(Trở về)
Trong Gọi mình, kí ức hiện lên như những mảnh ghép đa màu. Có khi đó là một "cõi tình xưa vụng dại". Có khi là một "mùa trăng dài" thao thức của tuổi đôi mươi. Có khi là một màu nắng của sân trường năm nao. Có khi là "ngôi nhà nhỏ chốn quê xa mờ khói"... Những hình ảnh ấy hiện lên, mờ tỏ khác nhau, nhưng đều đã góp phần giúp ta hình dung khuôn mặt tinh thần của chủ thể trong nhiều tư cách: một người tình - một người bạn - một người con - một người học trò - một người vợ - một người mẹ. Và dù trong tư cách nào, vẫn dễ nhận thấy con người ấy rất duy cảm.
Duy cảm vốn cũng là tố chất cần thiết của người làm thơ bên cạnh những tố chất khác. Sự phát huy thế mạnh của tố chất này đã được thể hiện trong một số câu thơ đoạn thơ - ở đó, tác giả có thể đã gợi lên được sự đồng cảm nhất định ở người đọc:
Mồng Tám tháng Ba là gì mẹ chưa hề biết đến
Có lẽ hoa hồng mẹ cũng chẳng biết tên đâu
Mẹ chỉ biết ruộng vườn, cây lúa, liếp rau
Mẹ chỉ biết bông vạn thọ
cúng ngày rằm, Ba mươi tết...
(Hoa hồng cho mẹ)
Ơi nền cũ chất đầy năm tháng cũ
Nay ta về gọi dậy những xa xăm
Cành mai lẻ bên đường rung nắng nhẹ
Đừng rêu phong nữa nhé! Gió mưa ơi!
(Nền cũ)
Tuy nhiên, làm thơ, nếu chỉ "độc tôn" cái món duy cảm ấy, không khéo rơi vào dễ dãi. Ngay cả những nhà thơ có tên tuổi, nếu thiếu tiết chế, sự phản tác dụng của tính duy cảm là điều khó tránh. Trong tập Gọi mình, một số bài như Miền thương nhớ, Đi tìm, Lời thì thầm tháng năm, Chờ tết... phần nào gây cảm giác dàn trải, lan man của những cảm xúc chưa thật sự lắng đọng.
Bên cạnh những bài thơ viết về kí ức, một phần không nhỏ của tập Gọi mình thể hiện những suy cảm của tác giả về nhiều mặt của cuộc sống hiện tại. Ở mảng này, ta vẫn nhận thấy một hồn thơ rất "hiền lành", dễ buồn, dễ vui trước bất cứ biểu hiện nhỏ nhặt nào xung quanh. Một đứa con yêu đang lớn lên từng ngày theo thời gian; một đồng nghiệp sắp về hưu; một thoáng với Hạ Long, Mê Linh, Sa Pa, Phú Quốc, Gáo Giồng... trong những chuyến du lịch ngắn ngày; sự thấp thỏm đợi chờ tết đến... tất cả đều được ghi lại kịp thời trong các bài thơ. Có cảm giác, tác giả không bao giờ "bí" đề tài. Tuy nhiên, với thơ, không phải lúc nào điều đó cũng nên xem là ưu điểm.
Trong tương quan với thơ hôm nay, Gọi mình của Hữu Phước thuộc về loại thơ trung thành với lối viết truyền thống. Dường như tác giả không bận tâm nhiều đến chuyện đang được đề cập thường xuyên trên các diễn đàn văn học hiện nay: sự đổi mới thơ về các phương diện. Chỉ cần đặt thơ của Hữu Phước bên cạnh thơ của một nữ tác giả khác (cũng là một cô giáo dạy Văn) là Đinh Thị Như Thúy, ta sẽ nhận ra sự khác biệt rất xa.
Lối viết truyền thống mà tác giả Gọi mình lựa chọn buộc người đọc (nhất là những người có nghiên cứu về thơ ca) phải đặt câu hỏi: tại sao trong nhiều trường hợp, chị lại có vẻ quá phóng túng như thế về âm luật. Đã đành, thơ hiện nay không bị trói buộc nhiều về vần điệu, nhưng một khi đã tìm đến những thể thơ có tính cách luật thì không thể không tuân thủ luật chơi. Đã lục bát thì không thể không vần; không chỉ phải hiệp vần giữa câu lục với câu bát mà còn giữa câu bát của cặp trên với câu lục của cặp dưới. Những câu như:
Năm mươi tóc đã bạc màu
Bây giờ môi đỏ má đào còn đâu
Nụ cười duyên dáng thành xưa
Duy còn mong nhớ như vừa hôm qua
rất cần phải được "nhuận sắc" lại.
Vần cũng là yếu tố không thể bỏ trong một khổ thơ bảy chữ hoặc tám chữ. Thơ Xuân Diệu, Thế Lữ, Huy Cận... trước 1945; thơ Quang Dũng, Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh... sau 1945 cho thấy rõ điều đó. Tương tự, đã chọn thể thơ năm chữ, lại tổ chức thành từng khổ, mỗi khổ bốn câu, thì không thể bất chấp sự hòa phối ngữ âm, thể hiện ở vần luật và thanh điệu như trường hợp sau đây:
Những trang thơ ngày tết
Nằng ùa vào ấm nồng
Ta ngủ giữa dòng thơ
Chợt giấc tiếng chim ngân...
(Vô đề)
Có thể tác giả có quan niệm riêng của mình về việc lựa chọn hình thức biểu hiện của thơ chăng?

Thành phố Vinh, 27/2/2013

Hoàng Vĩnh
phuochieu
phuochieu

Taurus Tuổi : 66
Đến từ : TP Cao Lãnh
Tổng số bài gửi : 70
Điểm : 132
Đã Được Cảm Ơn : 0
Registration date : 03/01/2009

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết