Văn AK5
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

PHƯỚC HIỂU gửi các bạn một bài cảm nhận TẬP THƠ GỌI MÌNH của một độc giả.

Go down

PHƯỚC HIỂU gửi các bạn một bài cảm nhận TẬP THƠ GỌI MÌNH của một độc giả.  Empty PHƯỚC HIỂU gửi các bạn một bài cảm nhận TẬP THƠ GỌI MÌNH của một độc giả.

Bài gửi by phuochieu 25/11/13, 02:37 pm

Đây là bài cảm nhận của một người bạn không phải dạy Môn văn mà dạy Anh văn. Rãnh rỗi các bạn đọc xem thế nào nhé. Cảm ơn các bạn:lol: 
phuochieu
phuochieu

Taurus Tuổi : 67
Đến từ : TP Cao Lãnh
Tổng số bài gửi : 70
Điểm : 132
Đã Được Cảm Ơn : 0
Registration date : 03/01/2009

Về Đầu Trang Go down

PHƯỚC HIỂU gửi các bạn một bài cảm nhận TẬP THƠ GỌI MÌNH của một độc giả.  Empty Re: PHƯỚC HIỂU gửi các bạn một bài cảm nhận TẬP THƠ GỌI MÌNH của một độc giả.

Bài gửi by phuochieu 25/11/13, 02:41 pm

Quên! Sẽ gửi bài bình vào đây nhéGỌI MÌNH - MỘT TRĂN TRỞ ĐỂ LÀ CHÍNH MÌNH

Với người nguyệt tháng trăng năm
Giấu trong khuyết, một dáng rằm vẹn nguyên
Biết lòng có chịu điềm nhiên
Giấu trong nhớ, một niềm quên giữa đời?
(Giấu trong nhớ một niềm quên - Nguyễn Thái Dương)
Có điều gì là tồn tại tuyệt đối trên cõi đời? Có sự vật hiện tượng nào không mang trong mình một mâu thuẫn tương đối? Những khuyết - tròn, những nhớ - quên cứ như phải tồn tại song hành, ít nhất là trong tâm tưởng của mỗi người. Cái mâu thuẫn 'giấu trong nhớ một niềm quên' hay ngược lại trong miền quên có phần ký ức nhớ luôn là trăn trở của bao người. Ta đã sống và đi qua năm tháng với bao nỗi nhập nhòe trộn lẫn. Để một ngày kia chợt nhìn lại mình, ta quay quắt kiếm tìm lại chính ta trong một cõi mơ hồ. "Tôi tìm tôi của ngày xưa/ Tìm người trong gió đong đưa xa vời/ Cõi mơ xõa xuống góc đời/ Vần thơ quấn quít quanh lời hư không/ Để tôi tràn ra mênh mông/ Để tôi đếm những tiếng lòng tôi rung/ Trời mây,/ trăng nước,/ chập chùng/ Tôi tìm tôi/ ở tận cùng/ cõi mơ" (Cõi mơ, Hoàng Sa). Hành trình tìm lại chính mình luôn là hành trình với nhiều cung bậc cảm xúc, với những đan xen chập chùng của ký ức và hiện tại, của quá khứ và tương lai. Nhưng Hữu Phước đã bắt đầu hành trình ấy trong tập thơ "Gọi Mình" bằng một tiếng gọi thảng thốt và vô vọng đến xé lòng:
"Ta khản cổ gọi mình...
gọi mãi cõi mơ xa" (Gọi mình, tr. 5)
Tôi đọc thơ Hữu Phước như một người tri âm. Vì mục đích chia sẻ, và lắng nghe tâm tình nên thường tiếp cận không bằng nghệ thuật thi phú mà bằng những cảm xúc đằng sau con chữ. "Gọi Mình" đã cho tôi nhiều cảm xúc lạ đến ngạc nhiên về một Hữu Phước rất mới. Hai năm sau ngày tập thơ phát hành là khoảng thời gian vừa đủ để tôi cảm nhận trọn vẹn những cảm xúc ấy, để có thể viết nên đôi dòng về tập thơ.
"Gọi Mình" là tiếng thổn thức của trái tim cô đơn.
Sự cô đơn ấy nằm trong chính tên của tập thơ "Gọi Mình". Mình là ai? Là chính ta hay là "đại từ ngôi thứ hai số ít dùng trong trường hợp thân mật"? (Vdict.com). Một số câu thơ trong bài, với cách sử dụng cặp nhân xưng 'ta - mình', có vẻ như mình là một người khác, một người yêu dấu, một người đã xa: "Ta gọi mình khản cổ cõi mơ xa/ Vườn thương nhớ nỗi niềm thành cổ thụ/ Nửa đời rồi... tất cả màu xưa cũ/ chỉ vầng trăng ngày đó vẫn tươi nguyên" (Gọi mình, tr.5). Từ 'khản cổ' trong câu kết "Ta khản cổ gọi mình... gọi mãi cõi mơ xa" (Gọi mình, tr. 5) như là một sự nỗ lực trong vô vọng, một sự tìm về chưa bao giờ được thành hiện thực. Cõi mơ xa đã xa dần, chỉ có hiện thực cô đơn là bao trùm tác phẩm.
Nhưng nếu 'ta - mình' chỉ để dành riêng cho một người, cùng một chủ thể thì sự cô đơn ấy mới đến đỉnh điểm. Và nhiều bài thơ gần như là độc thoại, là tự tình với chính mình. Nỗi cô đơn khi 'ta' chỉ còn lại với 'ta' có thể tìm thấy rất nhiều trong các tác phẩm thơ, trong ca từ của âm nhạc, mà nhạc Trịnh là một tiêu biểu. Đó là khi giữa cuộc sống bộn bề, chính ta phải tìm lời an ủi cho mình: "Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng!" (Trịnh Công Sơn). Đọc 'Gọi Mình' ta cảm thấy như trái tim ấy luôn chọn cách tự vui, tự buồn, đối diện với ngày tháng buồn tênh, và khao khát kiếm tìm, như tâm sự của Hoa Nắng trong bài thơ "Một mình": "Một mình hứng giọt nắng mai/ Một mình đối diện ngày dài, buồn tênh /Một mình giữa chiều lênh đênh/ Ðắm chìm trong cõi Nhớ - Quên, kiếm tìm ...".
Tại sao phải tìm kiếm chính mình? Tại sao phải thảng thốt và quay quắt tìm lại những ngày tháng cũ? Tác giả ngậm ngùi rằng: "Ta đi ngang quá khứ/ Gọi tên mình xót xa/ Cõi lòng luôn thắp lửa/ Vẫn lạnh nỗi niềm xưa" (Đi ngang quá khứ, tr. 7). 'Nỗi niềm xưa' cứ đeo đẳng khôn nguôi một kiếp người! Thời gian trôi qua, đến một ngày nào chợt nhìn lại... Ai trong chúng ta không có những kỷ niệm của riêng mình, của một thuở yêu người? Đó là khu vườn xưa đầy kỷ niệm. Đó là những con đường đã chung bước song đôi, là những ngọt bùi dưới cơn mưa bay, hay những ấm áp trong mùa đông buốt giá. Đó cũng có thể là những khắc khoải, đợi mong dù biết rằng 'người' sẽ không đến. Đó là những tiếc nuối đến ngẩn ngơ về một chốn thiên đường mà ta đặt tên cho nó là "Cõi tình", và xin người nhẹ bước nếu vô tình về ngang: "Người có về đi ngang qua nơi ấy/ Nhẹ giùm bước chân đừng như thuở vô tình/ Dòng sông chảy đã đến miền xa lắm/ Nước từ nguồn vẫn níu mãi dòng trôi/ ...Người có về xin chút mưa bay/ Cho những chiều nao đợi người không hẹn/ Người đâu biết... nhưng mà thôi đã muộn/ Cõi tình xưa người nhẹ bước chân giùm!.." (Cõi tình, tr. 6).
Có một nét tương đồng trong cách thể hiện, có một ý thơ chung niềm tâm sự với Hữu Phước, Lã Văn Cường cũng từng thốt lời thiết tha mời người về lại "Vườn yêu": "Theo lối mòn lần tìm đến vườn yêu/ Lối cỏ mọc đầy rêu phong phủ mờ/...Nhớ quay về đợi chờ ở vườn yêu/ Những kỷ niệm ngày xưa thân ái còn/ Em lang thang trong cô đơn, chán chường/ Em mong anh, đau thương ngã quỵ mê, tái tê, rưng buồn". Trong lần "Trở về" vườn yêu xưa cũng với "những lối mòn lan tràn cỏ dại" với những hoa tím dâng ngập hồn thương nhớ, nhưng nỗi nhớ của Hữu Phước không khao khát đến bốc cháy, không quỵ mê, tái tê mà lại lặng lẽ, đằm thắm rất phụ nữ, để lắng nghe khúc tình rất nhẹ, rất thoảng đến nao lòng: "Xạc xào gió bay hay lời tre văng vẳng/ Người đã xa... đã xa... đã xa..." (trang 19). Ôi cái điệp từ 'đã xa...' sao mà da diết, mà đớn đau đến thế. Nó nhẹ nhàng nhưng thật thâm trầm và để lại cho ai một khoảng trống, một sự hụt hẫng không gì bù đắp được. Ý thơ ấy lại làm ta liên tưởng đến nỗi chia xa nhẹ nhàng nhưng đau đến xé lòng "... từng cơn gió và từng cơn gió/ Em đi gió lạnh bến xa bờ/ Từng nỗi nhớ trùng trùng nỗi nhớ, à ơi à..." (Còn ai với ai, Trịnh Công Sơn).
Nỗi cô đơn trong suốt tập thơ còn được tìm thấy qua hình ảnh một con trăng đơn độc, lẻ loi đến ngột ngạt: "Vằng vặc một mình trong âm thầm thổn thức/ Đã ngàn đời trăng vẫn sáng một mình trăng" (Trăng gọi, tr. 40). Dường như trong những lúc thật cô đơn khi không còn ai bên mình, trong những đêm tĩnh lặng, người ta hay tìm đến trăng để đối thoại, để sẻ chia. Trong bài "Độc thoại nhớ - Hình như", Như Nguyện cũng đã tâm sự rằng: "Mình ta với mảnh trăng vơi/ Dõi trông tháng bảy hoang trời mưa bay". Hữu Phước sẻ chia với trăng đầy, nỉ non với trăng vơi, và tìm nguồn an ủi ở trăng xưa, nhưng đôi lúc lại có những nỗi lo rất nhẹ dạ khi tự hỏi rằng: "Trăng có soi mòn kỷ niệm của ta xưa?" (Trở về, tr. 19). Với tác giả, những kỷ niệm ngày xưa là thiêng liêng, là quý báu mà tác giả luôn nâng niu gìn giữ: "Suốt một đời im lặng giấu tình yêu/ ... Suốt một đời mang nặng một tình yêu/ Em chỉ biết suốt đời lặng lẽ/ Suốt một đời dõi theo bước chân ai" (Lặng lẽ, tr. 47). Nhưng tình yêu xưa, kỷ niệm cũ cứ hoài trăn trở trong lòng. Những tháng ngày đã qua cứ réo đòi trong ký ức. Giữa một miền nhớ - quên còn luôn thổn thức ấy, tác giả đã chọn một miền tĩnh lặng cho riêng mình: :"Người đã nguyện cầu ta tròn mơ ước/ Ngủ yên kỷ niệm xưa, ngủ yên, ngủ yên!" (Nói với kỷ niệm, tr. 21).
Tưởng chừng như cái 'cõi lòng luôn thắp lửa' ấy có thể xua tan cái lạnh của nỗi niềm xưa, và kỷ niệm cũ sẽ ngủ ngoan hiền không một lần thức giấc trong lời ru 'ngủ yên' ấy. Nhưng không, cái mâu thuẫn trong tình cảm vẫn là khi cố quên, cố an ủi mình nhưng lòng vẫn hoài mong: "Trái tim cô đơn tự đốt lửa sưởi cho mình/ Đợi chờ nơi xa mùa xuân về gõ cửa" (Mùa yêu, tr. 36). Thế mới biết thẳm sâu trong trái tim cô đơn ấy, "Gọi mình" còn cho thấy thổn thức một khát khao yêu.
Gọi Mình - Một khát khao yêu
Đằm trong từng câu chữ là cả một khát vọng được trở về với ngày xưa, cùng với người mơ qua khu vườn cũ: "Ta gọi mình gọi thức những bình yên/ Một lần thôi được cùng người về nơi ấy/ ...Người có về xin cho một nhành mai/ Để mùa xuân xưa bừng tỉnh giấc" (Cõi tình, tr. 5 - 6). Đằm thắm và ý nhị trong câu từ là thế! Cái da diết, cái mong chờ dù rất giản đơn không thể che hết một khát khao nồng cháy trong tình yêu dù Hữu Phước không bộc trực, mạnh mẽ như Lã Văn Cường trong cách thể hiện: "Hãy cho em một lần dù gian dối,/ Hãy cho em tình nồng còn bối rối/ Cho em được mặn nồng cùng tình anh/ Cho em được trở về cùng vườn yêu" (Vườn yêu - Lã Văn Cường). Cái khát khao mà Hữu Phước thể hiện rất nữ tính và xuất phát từ trái tim chín muồi của một người đàn bà yêu.
Người đàn bà yêu đã giam tình cảm của mình trong lặng lẽ, vì nhiều lý do đã ôm trọn nỗi nhớ vào lòng, cất giữ cho riêng mình khi nâng niu từng chút kỷ niệm quý giá. Nhưng không có nghĩa là những con sóng ngầm ấy không dữ dội, mà trái lại nó luôn cuồn cuộn trong lòng đại dương, luôn hướng về đất liền và sẵn sàng vỗ tràn bờ với bao yêu thương chất chứa. Đã qua rồi cái thời bồng bột nông nổi, tình yêu ấy qua thời gian như những giọt mặn lắng sâu để tạo thành muối: một tình yêu đậm đặc, nồng nàn. Với bao được - mất và thăng - trầm trong cuộc đời, có thể một lúc nào đó người đàn bà ấy đã không nắm giữ được tình yêu như mong mỏi, nhưng lại biết tận sâu thẳm trong trái tim mình, mình đã và đang cần gì: "Mắt vẫn vương ngấn lệ/ Đến bây giờ chưa nguôi.../Trái tim đầy nỗi nhớ/ Đến bây giờ chưa vơi" (Đi ngang quá khứ, tr. 7). Chính vì thế, khi phải đối diện với chính mình, phải thành thật với cảm xúc, tác giả phải gạt đi những ngổn ngang trong cuộc sống, phải gỡ hết những lớp hóa trang đầy màu sắc cho hợp với lý trí và các chuẩn mực, để hiểu mình tường tận, và chân thật thốt lên rằng: "Cõi sâu thẳm tâm hồn ta dậy sóng/ Trái tim nào còn đó những xôn xao?" (Nói với kỷ niệm, tr. 21).
Vì lòng còn bao nổi niềm chưa yên ngủ, vì tim vẫn còn tha thiết đập nhịp yêu thương, những yên ắng thường ngày chỉ là khi phải cất tạm nỗi nhớ, vỗ về kỷ niệm xưa trong một góc rất riêng của tâm hồn. Nhưng khi bắt gặp những hình ảnh gợi nhớ, những cảm xúc xa xưa lại ào ạt tràn về không kềm nén được: "Tình đã tan đi, lời thề... không xóa được/ Hè về treo kỷ niệm cháy lòng ai!" (Phượng, tr. 41). Và những phút cháy lòng một cách chân thật nhất, tác giả bật nên lời những mơ ước thật đơn sơ: "Nếu có thể thời gian quay trở lại/ Hãy cho em vĩnh viễn phút ban đầu" (Nếu..., tr. 44). Thế mới biết xúc cảm ban đầu khi ta chạm ngõ yêu qua bao thời vẫn là sâu lắng trong tâm hồn mỗi người: "Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Ngàn năm chưa dễ đã ai quên" (Thế Lữ).
Hơn một lần trong tập thơ này, tác giả nhắc đến phạm trù 'còn - mất', 'đi - về'. Âu cũng là lẽ thường của một người từng trải, đã nếm thử bao mặn ngọt của cuộc đời. Và như một quy luật của tự nhiên, tác giả suy nghĩ nhiều về trần thế, về 'ngày ra đi', về 'cõi lặng im'. 'Cõi lặng im' có thể là những phút lặng để ta chiêm nghiệm về cuộc sống, về cái tôi trong cái ta, để ngộ thêm những gì còn mịt mù, u tối. 'Cõi lặng im' cũng có thể là cõi vĩnh hằng, nơi ta yên nghỉ sau một đời sóng gió. Nhưng dù với nghĩa nào đi chăng nữa, 'cõi lặng im' mà tác giả đang nhắc đến cũng luôn thổn thức và xôn xao một cách rất đời thường: "Cõi lặng im... bây giờ ta đến để bồi hồi/ Để lắng thật sâu lòng mình hơn nữa/ Gió vẫn lay, sen giữa hồ vẫn nở/ Hay những âm thầm... còn thổn thức với cỏ hoa/ Cõi lặng im, có thật lặng im... hay còn bối rối/ Như cuộc đời thường, nơi ấy cũng xôn xao" (Cõi lặng im, tr. 31).
Những câu thơ nhẹ nhàng như ngọn gió vô hình, vô thanh mà có sức lay động đến vô cùng. Thế mới biết cái cõi người dù mặn đắng hay gian khổ nó vẫn luôn luôn hấp dẫn đến không ngờ. Chợt nhớ đến câu hát "Ta là ai mà còn trần gian thế? Ta là ai? là ai? là ai mà yêu quá đời này?" (Tôi ơi đừng tuyệt vọng - Trịnh Công Sơn); hay câu thơ rất đỗi dung dị của Vũ Quần Phương: "Giã từ sương núi mây khe/ Giã từ kinh kệ về nghe chuyện đời/ Lăng nhăng trăm sự rối bời/ Mà sao yêu cái cõi người thẳm sâu" (Giã từ Yên Tử, 2007). Cũng chính khi trăn trở về cõi lặng im ấy, và những lúc chiêm nghiệm về đời mình, cái khát khao yêu thương mới bùng lên mạnh mẽ, mà người đàn bà yêu đã nắn nót viết những dòng yêu thương cho đến những trang cuối của cuộc đời: "Cuốn sổ cuộc đời không ngừng viết tiếp/ Đến trang cuối cùng vẫn dòng chữ yêu thương" (Nếu..., tr. 43).
Gọi Mình - Một tha thiết được cống hiến
"Gọi Mình" là một tập thơ không chỉ có chan chứa những lời yêu thương mà còn đấy ắp những trăn trở về cuộc sống của một nhà giáo đã, đang và còn vẫn tha thiết được cống hiến. Tác giả cũng ngầm ví mình như một dòng sông âm thầm chảy, xuôi về đại dương mênh mông. Trong suốt hành trình mãi miết ấy, sông không ngừng chở những yêu thương, và lặng thầm mang phù sa bồi đắp: "Sông xuôi về tận cuối dòng/ Đổ vào biển mặn nhớ mong đã đầy" (Tình khúc năm mươi, tr. 39), hay: "Sông miệt mài biết bao đời vẫn chảy/ Phía sau mình dịu ngọt hạt phù sa" (Giã từ, tr. 66). Dòng sông ấy chưa một lần muốn ngừng chảy, mà luôn muốn dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu, cho cuộc đời.
Nghề giáo vốn cao quý, nhưng chưa bao giờ là một công việc nhẹ nhàng. Dưới sức ép của cuộc sống và những xô bồ của kinh tế thị trường, nhiều giáo viên đã bỏ nghề không luyến tiếc vì nặng gánh mưu sinh. Hữu Phước đã sống trọn vẹn cho nghề, đến tận những năm cuối cô vẫn thấy vấn vương nghề sư phạm: "Lung linh lắm một khoảng trời sư phạm/ Chín ngàn ngày ta đi dưới hàng cây/ Bàn tay này vẫn còn vương phấn trắng/ Ánh mắt này vời vợi ước mơ xanh..." (Nói với hàng cây, tr. 64). Qua bao thăng trầm của cuộc đời, dòng sông ấy vẫn mang nặng phù sa bồi đắp cho đời, vẫn còn đó bao điều trăn trở cho thế hệ đi sau: "Lời cuối cùng ta gửi lại cho em/ Tiếp bước chân ta nối dài bục giảng/ Mỗi bài học, em ơi đừng xao nhãng/ Cả đời ta bao nỗi vui buồn... (Lời cuối, tr. 65).
Khác xa với một tâm trạng miên man, một cõi lòng trĩu nặng trong tình yêu, những tâm sự chuyện nghề trong thơ Hữu Phước luôn đong đầy những niềm vui, niềm tin và hy vọng: "Trồng niềm tin mai sau/ Bằng mùa nay tươi thắm/ Nụ cười xuân nồng nàn/ Lại nở mỗi mùa sang..." (Gieo trồng, tr. 68). Say trong nghề, say với xuân tác giả gửi gắm bao khát vọng vào mùa xuân cuộc đời bằng những vầng thơ tươi thắm, lạc quan: "Xuân bay giữa đất trời/ Thức dậy mầm mơ ước/ Hoa ướp hương cuộc đời/ Nắng nhuộm màu tươi mới" (Năm mới, tr. 70).
Ngoài những trăn trở về chuyện nghề, "Gọi Mình" còn là những suy gẫm về chuyện đời. Đó là những chiêm nghiệm của một người từng trải, của một trái tim nhân hậu và tha thiết yêu cuộc sống. Những sẻ chia mộc mạc, tưởng chừng như rất giản đơn lại là một đúc kết quý báu: "Thời gian đang xói mòn/ Cuộc đời rồi cũng hết/ Hãy trao lời nồng nàn/ Kẻo mai này nuối tiếc?" (Nuối tiếc, tr. 75). Ai đã từng bị cuốn theo những bộn bề cuộc sống, ai đã từng lỡ mất cơ hội nói lời yêu thương mới thấy hết ý nghĩa của dòng thơ. Dòng xoáy cuộc đời buộc ta phải vươn lên không ngừng, đưa ta đến những miền đất lạ. Cuộc sống số hiện đại làm đời ta thêm lung linh, đa chiều - ảo nhiều hơn thật, nơi mà những lời yêu thương chân thành thường được số hóa trong một cánh thiệp điện tử hay một tin nhắn online. Đến một nào đó ngỡ ngàng nhìn lại chợt nhận ra rằng: "Ta đi qua những năm tháng không ngờ/ Vô tư quá để bây giờ xao xuyến" (Lời chào, Nguyễn Khoa Điềm). Hữu Phước cũng có đã dừng lại đôi lần để đắn đo chiêm nghiệm đời mình, và đã cảm thấy rất an ủi rằng: "Đời
cũng được nhiều ... có chi mà tủi?/ (Từng mảnh hồn đã hào phóng đem cho)” (Gửi, tr. 35).
Một trăn trở để là chính mình
Nếu ai đã từng đọc thơ Hữu Phước, đã dõi theo chân cô suốt một hành trình dài thì dễ dàng nhận ra rằng "Gọi Mình" là một đột phá: đột phá trong ý thơ, đột phá trong cách thể hiện. Vẫn là những dòng thơ bình dị nhưng đời hơn, cá tính hơn và cái tôi được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Ở đó có những kinh nghiệm được sẻ chia của một người từng trải: "Cả một thời mê mải/ Đã lên thác xuống ghềnh/ Ngọt đắng từng nếm trải/ Chợt thấy đời mong manh (Cảm hoài, tr. 28). Những trải nghiệm đa sắc màu về cuộc sống cho tác giả có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời, hiểu được mình một cách chân thực: "Trái tim như thuở ngày xưa/ chứa chan kỷ niệm nắng mưa mặn nồng/ Ta còn như thể dòng sông/ Lắng bồi nhung nhớ, tràn đồng yêu thương" (Ta còn, tr. 45). Trái tim rạo rực yêu thương bất chấp tuổi tác, bất chấp quy luật đi - về của một kiếp người: "Sá gì một kiếp hồng trần/ Hết ngày hết tháng về dần bên nhau/ Còn kiếp nào, có kiếp nào/ Hẹn hò với những trăng sao đền bồi..." (Ta còn, tr. 46). Nghe như đâu đây như có lời "Tự hát" của một tình yêu mãnh liệt vượt lên cả số phận và cái chết: "Em trở về đúng nghĩa trái tim em/ Là máu thịt, đời thường ai cũng có/ Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa/ Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi" (Xuân Quỳnh).
Khi đọc tập thơ này, tôi đã không ngừng liên tưởng và quy chiếu về thuyết tháp nhu cầu của Maslow. Ông cho rằng đến một thời điểm nhất định khi các nhu cầu cơ bản được thỏa mãn con người sẽ hướng đến 'Nhu cầu về tự thể hiện bản thân' (Self-actualization). Đó là nhu cầu của một cá nhân mong muốn được là chính mình, được làm những cái mà mình sinh ra để làm. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi và chỉ khi ta biết chính xác ta là ai, ta đang đi đâu và ta muốn hoàn thành những gì. Và với "Gọi Mình", Hữu Phước đã cho ta thấy một trái tim cô đơn luôn khao khát yêu, tha thiết sống và tận tụy cống hiến. Cái khao khát, cháy bỏng của một người đàn bà yêu từng trải được thể hiện rất đằm thắm, sâu lắng, nhuốm màu thời gian: "Nhuộm thời gian, nhuộm cõi tình/ Mai sau còn lại chút hình bóng xưa..." (Nhuộm tình, tr. 42). Đặc biệt hơn nữa là những lời yêu thương ấy được tác giả cất lên từ tận đáy lòng khi đã ngộ ra mình là ai, mình cần gì trong cuộc đời này. Bản ngã đã tìm về, nhưng thời gian vẫn vô tình trôi. Chẳng biết ngày tháng đó có đủ để thỏa một cái tôi đang vùng vẫy khi: "Hành trình dài đã sắp vào ga cuối"?



phuochieu
phuochieu

Taurus Tuổi : 67
Đến từ : TP Cao Lãnh
Tổng số bài gửi : 70
Điểm : 132
Đã Được Cảm Ơn : 0
Registration date : 03/01/2009

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết