Văn AK5
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

TẬP THƠ VỪA XUẤT BẢN CỦA HỮU PHƯỚC(PHƯỚC HiỂU)

Go down

TẬP THƠ VỪA XUẤT BẢN CỦA HỮU PHƯỚC(PHƯỚC HiỂU) Empty TẬP THƠ VỪA XUẤT BẢN CỦA HỮU PHƯỚC(PHƯỚC HiỂU)

Bài gửi by phuochieu 18/06/11, 10:53 pm

Thân mến gửi tặng tất cả các bạn tập thơ thứ 2 vừa xuất bản tháng 1/2011 của mình nhé. Tập thơ viết nhiều về quá khứ, kỷ niệm -CÕI MƠ XA.Và ở đấy tất nhiên có sự hiện diện của lớp Văn AK5 nhiều lắm. Tập thơ mang tên là GỌI MÌNH. Bài thơ Gọi mình mở đầu tập thơ như lời đề từ của tập thơ 50 bài.Bài thơ ấy được gợi cảm hứng trong buổi họp lớp lần 2-2008.Mong rằng tập thơ sẽ được các bạn đón nhận và..."mua vui cũng được một vài trống canh".
phuochieu
phuochieu

Taurus Tuổi : 66
Đến từ : TP Cao Lãnh
Tổng số bài gửi : 70
Điểm : 132
Đã Được Cảm Ơn : 0
Registration date : 03/01/2009

Về Đầu Trang Go down

TẬP THƠ VỪA XUẤT BẢN CỦA HỮU PHƯỚC(PHƯỚC HiỂU) Empty Re: TẬP THƠ VỪA XUẤT BẢN CỦA HỮU PHƯỚC(PHƯỚC HiỂU)

Bài gửi by phuochieu 29/06/11, 03:58 pm

Xin lỗi mình không đưa tập thơ lên được . Hứa sẽ tặng các bạn khi họp lớp ở Bạc Liêu vào 6 và 7 tháng 8 tại nhà Đông Hà nhé. Các bạn nhớ sắp xếp công việc, khắc phục mọi khó khăn để đến dự thật đông đủ nhé.Mong gặp lại các bạn-Nguyễn Phước Hiểu
phuochieu
phuochieu

Taurus Tuổi : 66
Đến từ : TP Cao Lãnh
Tổng số bài gửi : 70
Điểm : 132
Đã Được Cảm Ơn : 0
Registration date : 03/01/2009

Về Đầu Trang Go down

TẬP THƠ VỪA XUẤT BẢN CỦA HỮU PHƯỚC(PHƯỚC HiỂU) Empty Bài viết của nhà thơ Thai Sắc , Hội viên hội Nhà Văn Việt Nam,đăng trên Báo VNĐT

Bài gửi by phuochieu 04/10/11, 01:51 pm

Tiếng gọi mình dư ba…

TAO ĐÀN

Đọc xong tập thơ Gọi mình (*), gấp sách lại, cứ nghe đâu đó trong cõi lòng tiếng gọi ngân rung da diết, khấp khởi, đau đáu, lắng đọng… Đó là tiếng gọi mình hay cũng chính tiếng gọi đồng loại, tiếng gọi nhân gian, tiếng gọi vũ trụ…, nên chi tìm được nơi chốn trú ngụ, hòa/phản âm, khuếch đại và lưu truyền. Tôi gọi đó là tiếng gọi mình dư ba (dẫu là tiếng gọi khản cổ - như tác giả mô tả)…
Đây là tập thơ thứ hai của Hữu Phước, cây bút nữ quen thuộc trong làng thơ Đồng Tháp. Năm mươi bài thơ - biểu tượng hiện hữu chặng đường đời năm mươi năm (chính tác giả nêu ra ý tưởng này), ít hay nhiều, thừa hay thiếu… thật khó phân định thỏa đáng và rạch ròi. Có khi chỉ một bài thơ mà ôm lọt trong đó lấp lánh cả một cuộc đời. Ngược lại, hàng vạn câu thơ mà bóng dáng thi nhân đọng lại vẫn là nhợt nhạt. Rất may, Hữu Phước, tuy chưa thuộc tầng lớp thứ nhất nhưng không phải nằm vào trường hợp thứ hai. Đọc Gọi mình, người đọc ít nhiều đồng điệu, đồng cảm và nhận ra một cách rõ nét chân dung nữ sĩ.
Tập thơ là bản hòa âm day dứt mà trước hết là giai điệu thiêng liêng của tác giả gọi về chính cõi lòng mình với những kỉ niệm tha thiết, sâu lắng. Ở đó, khắc khoải kí ức về quê hương với hình ảnh thân thương của cha mẹ, của mái trường thời phổ thông, của những mùa xuân đầy hoa... Ở đó, thao thiết hoài niệm về một tình yêu đã mất và đang có… Ở đó, miên man hồi ức về những chuyến đi với biết bao cảnh và người đáng nhớ… Và ở đó, bao giờ cũng ngân vang nhịp sống vui buồn của ngành sư phạm - cái ngành mà tác giả gắn bó suốt đời…
Kỉ niệm sâu sắc về quê hương ở Hữu Phước có nét lạ, đó không chỉ là dòng sông hiền hòa, bến nước đông vui, nếp nhà trầm mặc… ta vẫn gặp đâu đó trong thi ca mà thẳm sâu và khắc khoải hơn về một niềm đau nhớ hóa thạch hiện hữu trong dấu vết của khu nền cũ: Tiếng khóc cười còn đó dưới nền xưa và: Nhà xưa đã về đâu miền quá khứ; Mây trên đầu vẫn trắng cõi mơ xa (Nền cũ). Kí ức quê hương ấy khá lạ nhưng chân thực và trĩu nặng khơi gợi trong ý thơ sau: Tuổi thơ ta và cả thời thiếu nữ; Tràn ước mơ thấm đất giọt mồ hôi (Trở về).
Xưa nay, thơ viết về cha mẹ rất nhiều nhưng gặp thơ hay hơi bị hiếm. Trong Gọi mình của Hữu Phước, hình ảnh cha mẹ xuất hiện không ít, nhưng để tìm một vài dòng thơ thật xuất sắc, mới mẻ, hấp dẫn quả khó. Tuy vậy, trong sự đồng cảm nhất định, người đọc cũng có thể lay động ít nhiều bởi những giai điệu chân thành, xúc động như: Manh áo vá chở con vào mơ ước; Trắng hạt cơm từ tay lấm chân bùn (Thời ấy). Những dòng thơ mộc mạc như diễn Nôm nhưng chắc chắn khi đọc lên khiến những ai không còn mẹ phải rưng rưng nước mắt: Hình như người ta không cúng hoa hồng; Con dâng mẹ muộn màng chuộc lỗi…(Hoa hồng cho mẹ).
Gọi mình cũng là khấp khởi gọi về miền hoa niên của tháng ngày đi học (học phổ thông và học đại học) mà tác giả gọi là miền thương nhớ. Ta bắt gặp ở đây, với tần số xuất hiện tuy không nhiều những bài thơ, ý thơ về thuở học đường đầy ắp mộng mơ này của tác giả nhưng âm hưởng ngân rung của nó không phải là không có địa chỉ: Có một miền như thế phải không anh? Những bạn bè ta hồn nhiên quá đỗi (Miền thương nhớ) hay: Đường nội trú mấp mô gian khổ; Lớp học xưa lồng lộng gió trời (Đi tìm).
Làm thơ về mùa xuân, về Tết Nguyên đán là một trong những mạch chủ đạo của thi sĩ muôn đời. Hữu Phước không những không nằm ngoài qui luật đó mà còn là người viết nhiều với những ý thơ tràn háo hức, bâng khuâng, đầy trở trăn, nuối tiếc và cũng tải được sự khác người - chỉ có ở nhà thơ: Chiều cuối năm lang thang trên phố; Mãi đi tìm một tứ thơ hay (Tết về trên phố) hoặc: Những trang thơ ngày Tết; Nắng ùa vào ấm nồng; Ta ngủ giữa dòng thơ; Chợt giấc tiếng chim ngân…(Vô đề).
Nhà thơ nào cũng là người luôn rừng rực chí tiêu dao, có dịp là bôn ba đây đó. Hữu Phước cũng vậy và trong tập thơ, ta nghe tiếng gọi mình của nữ sĩ ngân lên từ nhiều địa danh khác nhau trên đất Việt. Nếu viết về Đại Lãi, Hạ Long…, tác giả đã dành tặng những vần lục bát mượt mà, tươi rói: Một bậc thang… một bậc thang…; Ta về với chốn khói nhang thì thầm (Núi mây) - Hạ Long sáng, Hạ Long trưa; Mượt mà như biển mới vừa sinh ra (Hạ Long) thì viết về Phú Quốc, Gáo Giồng…, nhà thơ biết chăm chút cho từng khổ thơ tự do vừa bay bổng vừa lắng đọng: Mai ta về mang Phú Quốc theo ta; Chút gió mây hay hương trời, hương biển (Mai ta về) - Một ngày thôi với Gáo Giồng; Chén lòng đã rót đầy kỉ niệm (Một thoáng Gáo Giồng).
Ta nghe tiếng gọi mình của Hữu Phước lay động thiêng liêng trên xứ sở mà chị đã cống hiến sắp trọn đời mình ở đó: trường sư phạm. Dẫu không chọn đưa vào tập thơ này nhiều bài viết về đề tài này, song chỉ một đôi dòng chân thành tâm sự với đồng nghiệp sắp nghỉ hưu hay ít lời có cánh gửi lên hàng cây bên bục giảng gắn bó mấy chục năm, chân dung một nhà giáo yêu nghề vẫn hiện lên rỡ ràng, cảm động: Lời cuối cùng ta gửi lại sân trường; Nghìn tia nắng mai sau tự tình với cỏ (Lời cuối) và: Mai mốt nữa không còn ta đếm bước; Ngôi trường xưa vẫn rộng cửa ngày ngày (Nói với hàng cây).
Nếu muốn nói riêng một chút về thơ tình yêu - hiểu theo nghĩa hạn hẹp nhất thì trong Gọi mình của Hữu Phước, mảng đề tài này tuy không đậm nhưng cũng không phải là không đáng nói. Tình yêu lứa đôi trong Gọi mình xao xác tiếng gọi buồn xa, thấm đẫm niềm nhớ tiếc. Trong một số bài thơ, hình như phảng phất đâu đó chút mơ hồ trách cứ về một mối tình đẹp nhưng chỉ là mộng mơ xa lắc: Người có về đi ngang qua nơi ấy; Nhẹ giùm bước chân đừng như thuở vô tình (Cõi tình) hay: Suốt một đời im lặng giấu tình yêu; Như là cỏ, là hoa đâu biết nói (Lặng lẽ) hoặc: Nhuộm thời gian, nhuộm cõi tình; Mai sau còn lại chút hình bóng xưa (Nhuộm tình).
Nổi trội nhất trong tập thơ là những bài thơ thế sự, mang tính chiêm nghiệm, độc thoại, đích thực là những tiếng gọi mình của Hữu Phước - vừa nhiều về số lượng, vừa nặng về chất lượng. Có thể liệt kê ra đây tên một số bài thơ tiêu biểu: Gọi mình; Trăng xưa; Bán?; Cảm hoài; Gửi; Ta còn… Dù nói về điều gì thì hiện lên rõ nét nhất trong chùm bài thơ này là ý tưởng có thật về tuyến thời gian một đi không trở lại, về khoảng không gian dâu bể, ở đó, con người xuất hiện như một chứng nhân duy nhất trước sự đổi thay, biến chuyển định mệnh trong một mặc cảm mất mát, hư hao, qua đó biết xác lập cho mình thái độ sống tự tin, đúng mực và khách quan hơn. Ta nhận ra trong Trăng xưa, một tiên nghiệm bình thản chân thành: Cửa để ngỏ chờ trăng… dù đã muộn; Rồi cuộc đời ta cũng sẽ đi xa. Một chút thắc thỏm hoài nghi dễ thương trong Bán?: Từ hư vô ta đến; Rồi sẽ về hư vô; Những dấu chân để lại; Mưa nắng mang về đâu? Đây là triết lí giản dị nhưng thiêng liêng trong Cảm hoài: Cuộc đời rồi cũng hết; Tiếc gì chút lợi danh; Vô tư như cây cỏ; Cứ nở hoa theo mùa. Vẫn còn đó những khát khao cháy bỏng muốn gửi vào vũ trụ: Tuổi năm mươi còn bao nỗi đắm say; Gửi vào đâu cho xanh thêm màu lá. Và một hi vọng rạo rực thấm chất bi kịch trong Ta còn: Còn kiếp nào, có kiếp nào? Hẹn hò với những trăng sao đền bồi…
Hữu Phước gọi mình cũng chính là gọi về quá vãng, dù xa xưa, cổ thụ nhưng mãi là nơi lưu giữ biết bao sự xanh non, mới mẻ, vĩnh cửu của một thời: Ta gọi mình khản cổ cõi mơ xa; Vườn thương nhớ nỗi niềm thành cổ thụ; Nửa đời rồi… tất cả màu xưa cũ; Chỉ vầng trăng ngày đó vẫn tươi nguyên (Gọi mình).
Và đó cũng là tiếng gọi vào thực tại, gọi tới mai sau của một tâm hồn thi sĩ nhạy cảm, đa mang…

T.Đ
_____________
(*) Gọi mình, Hữu Phước, Nhà Xuất bản Văn học - Hội VHN
phuochieu
phuochieu

Taurus Tuổi : 66
Đến từ : TP Cao Lãnh
Tổng số bài gửi : 70
Điểm : 132
Đã Được Cảm Ơn : 0
Registration date : 03/01/2009

Về Đầu Trang Go down

TẬP THƠ VỪA XUẤT BẢN CỦA HỮU PHƯỚC(PHƯỚC HiỂU) Empty Re: TẬP THƠ VỪA XUẤT BẢN CỦA HỮU PHƯỚC(PHƯỚC HiỂU)

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết