Văn AK5
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Tùy bút DÒNG SÔNG THUỞ ẤY

Go down

Tùy bút DÒNG SÔNG THUỞ ẤY Empty Tùy bút DÒNG SÔNG THUỞ ẤY

Bài gửi by phuochieu 26/09/10, 07:09 pm

(HỮU PHƯỚC)

DÒNG SÔNG THUỞ ẤY

Dòng sông quê tôi chỉ nghe tên thôi đã thấy yên ả, thanh bình và thơ mộng : Sa Giang
Dòng sông ấy bây giờ dường như hẹp lại.
Phải sống xa quê hơn ba mươi năm rồi, thỉnh thoảng về lại, nhìn sông tôi cứ băn khoăn mãi “Tại sao dòng sông quê mình không mênh mông như thuở ấy?” Cuối cùng tôi đã tự lý giải cho mình : Sông hẹp lại vì hai nguyên nhân chính :
Thứ nhất : Ngày ấy mình còn bé, thế giới xung quanh cái gì cũng lạ, cũng xa, cũng rộng lớn. Lúc bé tôi cứ ao ước được một lần bơi sang sông. Nghe nói bên ấy là bên lở nên lòng sông sâu lắm.Còn bờ bên này là bên bồi nên mỗi lần nước kém là phơi bãi đất phù sa đỏ hồng, mềm nhão đến ba bốn thước tha hồ cho tôi và lũ nhóc trong xóm bắt hến (Hến ghim mình vô số trên bãi), nghịch bùn hoặc tiếp ba kéo nò bắt rất nhiều cá rô biển, cá lóc. Có khi chỉ có ba cái nò mà có đến mấy chục con cá lóc và cả rỗ súc( lọai rỗ to, lớn hơn cái thúng đựng nửa giạ lúa) cá rô biển muối để dành chiên cho cả nhà ăn được ba bốn hôm. Vào mùa nước nổi lại xuống bãi xúc cá bống bám dưới rễ lục bình theo dòng nước trôi nổi trên sông và tấp vào bờ. Ao ước ấy cứ đọng mãi trong lòng có đến mấy mươi năm mà chưa thực hiện được mặc dù tôi bơi rất giỏi và có thể thả tàu (nằm ngửa trên dòng nước không cử động mà không bị chìm) theo dòng nước cả khúc sông, vì bờ bên này nhìn sang bờ bên kia thật xa xôi .
Ngày ấy khi học tiểu học ở trường làng cách nhà bốn cây số, tôi thường đi bộ bên bờ sông kia vì phía sau bờ sông là con lộ nhỏ, cầu khá kiên cố cho xe chạy còn bờ bên này là đường đất quanh co, nhiều cầu khỉ, khó đi . Khi về, tôi vừa ngồi nhổ những bông cỏ may bám vào quần áo vừa ơi ới gọi: “ Ba ơi! Má ơi rước con!”. Gọi to đến khản cả cổ mà có khi ba má cũng không nghe .
Vậy mà bây giờ cứ tưởng như người nói chuyện bên ấy bên này còn nghe được .
Nguyên nhân thứ hai làm sông hẹp lại rất cụ thể và tôi luôn tự nhủ mình nên vui hơn buồn nhưng mãi vẫn không hết buồn được, nhất là khi mơ màng nhớ lại kỉ niệm tuổi thơ. Đó là các công trình công nghiệp hóa đang mở rộng qui mô ở quê tôi : Lò gạch, các nhà máy xay xát lúa gạo, xí nghiệp chế biến thực phẩm…mọc lên như nấm cạnh bờ sông - có điều đặc biệt là chỉ phát triển phía bên kia bờ sông, cũng có thể dần dần được xây dựng cả hai bên bờ (Chao ôi lúc ấy sông còn hẹp lại bao nhiêu nữa!)
Thế là hàng dừa xanh nghiêng mình soi nước gương trong không còn nữa. Sông hẹp lại vì các bờ kè xi măng cốt sắt vươn ra che chắn dòng nước chảy, vì tàu đợi chở hàng nằm chen chúc ở các bến sông…
Bộ mặt nông thôn quê tôi thay đổi từng ngày. Các hộ có đất ven sông được đền bù hằng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ, đua nhau cất biệt thự, nhà lầu trên phần đất ruộng phía sau nhà cũ của mình, cách rất xa bờ sông. Biệt thự sang trọng, nhà lầu hiện đại lắm màu, nhiều vẻ ngạo nghễ với gió đồng…Quán xá mọc lên cũng nhiều, nhạc xập xình…át cả tấu khúc ếch nhái, ễnh ương não nuột mà thân quen những chiều mưa rả rích, những tối mưa dầm, tiếng bìm bịp kêu nước lớn…
Người ta vui mừng, phấn khởi vì nông thôn được đô thị hóa. Đường quê được trải nhựa, xe hơi có thể vào tận ngõ. Đường quê khấp khểnh mấp mô, cầu tre lắt lẻo cũng chỉ còn hình bóng trong những khúc hát ru em.
Tiếng tàu chạy xình xịch trên sông cũng thưa dần, thay vào đó là tiếng còi xe cúp cứ inh ỏi liên tục, nhất là của các cậu thanh niên choai choai muốn làm điệu, làm dáng cho mọi người chú ý …
Nhà tôi có chiếc ghế trường kỷ đâu từ thời ông cố còn để lại. Ba tôi thường ngồi ở đầu ghế kê sát cửa sổ hiên nhà nhìn dòng sông nước chảy lớn ròng mà triết lý về cuộc đời, mà nhớ chuyện xa xưa, mà làm dăm bài thơ lẻ . Khi tôi bộc bạch nỗi buồn không nén được trước cảnh đổi thay, ba tôi khuyên nhủ : “ Phải chấp nhận thôi con ạ.Thậm chí phải vui lên ! Sông hẹp lại nhưng kinh tế địa phương mở rộng ra. Nhiều người dân quê mình có thêm việc làm, bớt nghèo đi, khỏi bỏ làng, bỏ xóm lên thành phố kiếm kế mưu sinh mà không khá lên được!”
Tôi biết ba cũng nén buồn như tôi. Có điều an ủi là những bài thơ về khúc sông xưa của ba sẽ neo đậu mãi trong tâm hồn tôi và đám cháu chắt sau này của ông .
Người ta thường bảo “Vật đổi sao dời”, đây chỉ mới là sự đổi thay nhỏ theo chiều hướng tích cực sao tôi cứ mãi bâng khuâng?
Sông ơi tự ngàn đời sông vẫn chảy! Nước từ nguồn cứ xuôi về biển cả !...Phù sa dịu ngọt vẫn cứ bồi đắp cho vựa lúa Miền Nam, cho miệt vườn Đồng Tháp xanh biếc, hoa trái trĩu cành, ngát hương. Chín nhánh sông Cửu Long vẫn mãi trường tồn thì sá gì chút đổi thay này !
Làng hoa Tân Quy Đông nổi tiếng khắp các tỉnh xa gần ngày ngày vẫn uống nước từ con sông ấy để nở hoa rộn ràng ngày giáp tết. Cuối tháng chạp thuyền bè vẫn tấp nập trên sông để chở hoa đi khắp các chợ quê lẫn thị thành dệt nên hương sắc mùa xuân tươi thắm …
Người dân quê tôi qua bao sự đổi thay vẫn chất phác hiền lành như thuở nào …Chiều chiều, sau những buổi lao động mệt nhọc trên đồng ruộng thửa vườn, trong nhà máy đầy bụi bặm vẫn ùa xuống dòng nước mát tắm rửa , ngâm mình thơ thái giữa dòng. Vẫn nắng ấy, gió ấy, mưa ấy… Lũ trẻ vẫn đua nhau bơi lội trên sông …
Sông vẫn hai con nước lớn ròng, hoa lục bình vẫn tím ngát dưới nắng chiều và những đêm trăng sáng sông vẫn êm đềm, lấp lánh như dát vàng, dát bạc cho đôi lứa nắm tay nhau thủ thỉ tâm tình…
Ngắm sông, ngẫm về sông để ngẫm lại cuộc đời : “ Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông”- Câu nói nổi tiếng của nhà triết học Hêraclit vừa cảnh tỉnh vừa an ủi được biết bao người ! Hãy biết tận hưởng và gìn giữ những gì mình đang có …Đời là một dòng sông với biết bao sự đổi thay – Muốn hay không muốn thì quy luật của thời gian từ nghìn đời và nghìn đời sau nữa …vẫn luôn là sự đổi thay . Cái gì còn lại sau dòng chảy ấy? Chính phù sa sẽ vun đấp cho cuộc đời tốt đẹp hơn lên.
Dòng sông Sa Giang, dòng sông quê -Tâm hồn của ta ơi! Có bao giờ nguôi chảy trong tâm hồn để tắm mát bao nỗi nhọc nhằn mưa nắng của cuộc đời ta !

H.P
phuochieu
phuochieu

Taurus Tuổi : 66
Đến từ : TP Cao Lãnh
Tổng số bài gửi : 70
Điểm : 132
Đã Được Cảm Ơn : 0
Registration date : 03/01/2009

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết