Văn AK5
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Gọi phà ơi!

Go down

Gọi phà ơi! Empty Gọi phà ơi!

Bài gửi by sauhong 21/04/10, 01:58 pm

Gọi phà ơi!

Hồi nhỏ, mỗi lần chị em tôi ăn cơm gần xong là nghe cái câu nói quen thuộc của má: “Tụi bây ăn như mỏ bàn phà”. Tôi không biết mỏ bàn phà là cái gì, nhưng cũng mường tượng ra nó có thể nuốt được rất nhiều thứ! Lớn lên, có dịp qua bắc Cần Thơ, nhìn cái mỏ bàn phà nuốt chửng bao nhiêu là người và xe cộ, tôi mới hiểu hết ý nghĩa câu nói đó của má.

Theo những bậc cao niên sống quanh bến Bắc Cần Thơ thì bến bắc này hình thành khoảng năm 1918. Thời đó, chiếc phà được kết bằng những thùng kim loại nổi và mui phà lợp bằng lá dừa nước, loại lá chầm mà bà con miệt vườn dùng để lợp nhà; cầu phà lót bằng cây, lâu lâu mới có vài chiếc xe hơi (người dân gọi là xe “mu rùa”) của các “quan Tây” và địa chủ trong vùng qua phà. Đến nay, Bắc Cần Thơ có khoảng 92 năm hoạt động. Chuyện trăm năm kể đến bao giờ mới hết, bao nhiêu cảnh “nắng mưa” đã diễn ra trên đôi bờ sông ấy và những cuộc đời đã trôi theo những chuyến phà đã qua.

Kỷ niệm của tôi với những chuyến phà đã qua đó không nhiều nhưng với tôi là những câu chuyện khó quên. Những năm tôi học ở Trường Đại học Cần Thơ, mỗi tháng đôi lần, vào Chủ nhật, tôi đạp xe xuống bắc Cần Thơ, sang bờ Cái Vồn, huyện Bình Minh (Vĩnh Long) thăm ngoại. Ngoại tôi lúc đó tu tại chùa Phù Ly mà người dân thường gọi là chùa ông Lục. Ngôi chùa này gắn liền với tín ngưỡng của nhà tôi từ khi ngoại tôi tu ở đó. Ba tôi không tin vào chuyện “thánh thần” nhưng năm trùng tu ngôi chùa, ông đã khăn gói lên chùa làm công quả mấy tháng liền không về nhà. Tôi đã theo má lên chùa thăm ngoại từ hồi bốn, năm tuổi. Tôi nhớ nhất những sợi “bùa” màu đỏ ông Lục cho tôi đeo vào cổ để “phòng tránh bệnh hoạn và ma quỷ”. Những sợi “bùa” đó theo tôi suốt thời thơ ấu cho đến khi tôi bắt đầu biết ngượng trước bạn gái. Ngoại tôi lấy chồng sớm, đến năm ngoài ba mươi thì ông ngoại bệnh mất để lại cho bà sáu mặt con. Khi dựng vợ gả chồng xong cho các con thì ngoại tôi xuống tóc đi tu. Câu chuyện ngoại đi tu hồi nhỏ tôi nghe má kể như cổ tích. Tôi nhớ nhất là chuyện bà chủ Sang và ông Hội đồng Hoàng, hai địa chủ nổi tiếng trong vùng, lúc về già cũng cất chùa, lập am, xuống tóc đi tu giống như ngoại tôi. Ngoại tôi phận tá điền nhưng bà chủ Sang xem như bầu bạn; còn ông hội đồng thì kết thông gia, nhận cậu Út tôi làm con rể. Ngoại tôi tu ở nhiều cảnh chùa, nhưng lâu nhất ở chùa ông Lục. Tôi đạp xe qua phà, sang chùa ông Lục thăm ngoại, ăn với bà bữa cơm chay, nghe ngoại kể chuyện “năm Thìn bão lụt” xảy ra hồi tám chục năm về trước mà như chuyện mới xảy ra hôm qua vậy.

Ngoại tôi nấu đồ chay rất ngon. Có hai món ngoại nấu mà tôi thích nhất là món hột khổ qua bầm nhuyễn với sả rồi xào cho khô lại cho vào keo để ăn lâu ngày và món kho gồm cà tô-mát, đậu que, nấm rơm và tàu hủ ky. Hai món này ngoại ướp với nước tương của chùa làm nên có mùi vị rất riêng, khó quên. Ngoại tôi không biết chữ nhưng thuộc làu nhiều bộ kinh Phật, đọc không sai một chữ. Mỗi lần sang thăm, ngoại thường nhờ tôi đọc cho bà nghe mấy đoạn kinh bà chưa thuộc, cứ vậy ngoại nhìn mặt chữ mà nhớ. Khi về, bao giờ bà cũng dúi cho tôi một ít tiền (chắc là của má tôi và các dì, các cậu cho ngoại) và keo hột khổ qua xào sả, mang về nhà trọ ăn nhín nhín cả tuần mới hết.

Tôi đã có biết bao chuyến qua phà về thăm ngoại. Tôi qua lại bến bắc đó nhiều lần đến nỗi quen mặt mấy nhân viên soát vé. Có người còn cho tôi qua luôn mà không cần phải mua vé. Có lẽ họ cũng có con cháu là sinh viên nghèo giống như tôi. Tôi đã nghe bao thứ âm thanh hỗn độn trong cái nắng oi bức của mùa hè phương Nam trên những chiếc phà đó. Tiếng máy phà với mã lực lớn, tiếng máy xe khách và mùi hăng của khói, tiếng rao hàng rong, tiếng chửi thề vu vơ của mấy bác tài… tất cả trộn lẫn trong không khí hầm hập cùng sự nôn nóng đợi phà cập bến… Tôi đã bao lần bâng khuâng với những chiều mưa dầm đứng bên ban công phà nhìn “con nước lớn lục bình trôi rời rạc” (1) trên con sông Hậu đỏ nặng phù sa. Tôi nhớ tiếng đàn guitar phím lõm của ông lão mù và tiếng ca trong trẻo nhưng buồn não nuột của em bé hành khất mua vui cho khách vãng lai, kiếm cơm độ nhật qua ngày. Có một bài Phụng hoàng trong vở cải lương “Nửa đời hương phấn” của soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng mà mỗi lần qua phà tôi nghe em bé hát riết nên thuộc. Em bé hát như vầy: “Diệu à, dù em có thành hôn với dượng Ba đây hay là với ai đi nữa, thì chị cũng sẽ về với… em, để mừng ngày em xuất giá, cho vui lòng ba má, chị cũng nở mặt mày với lối xóm bà con…. Còn dượng Ba đây, là một thanh niên có học lại đàng hoàng. Chị vô cùng sung sướng, khi em có một tấm chồng như lòng chị ước mong….”. Lời ca, điệu hát, tiếng đàn ấy như chất chứa những hoàn cảnh trái ngang, đau khổ, những mảnh đời tha phương cầu thực như chính cuộc đời của hai ông cháu hành khất kia và những người mua gánh bán bưng gần một thế kỷ qua trên hai bến sông này. Có khi nhớ, tôi đạp xe xuống bắc Cần Thơ, sang phà, chỉ đợi nghe cho bằng được điệu Phụng hoàng đó của hai ông cháu hành khất, biếu họ vài đồng bạc còm, rồi về…

Những ngày cuối tháng Tư này, bắc CầnThơ chấm dứt vai trò lịch sử sau 92 năm tồn tại. “Nước đã theo dòng về biển Đông bát ngát, mà đám lục bình còn trôi dạt lênh đênh. Có ai dìa nữa đâu mà chờ mà đợi, mà ra bến ngó mong rồi hờn giận con đò…” (2). Còn đâu những câu vọng cổ buồn lăn tăn theo sóng nước mạn phà, còn đâu tiếng đàn Tây ban cầm với làn điệu boléro mộc mạc trên chuyến phà đêm làm chạnh lòng người ly hương về thăm lại cố hương: "Trên bến bắc Cần Thơ. Có người hành khất ôm cây guitar và chơi boléro. Dòng sông sông trôi mãi không về. Tiếng guitar buồn, mênh mang mênh mang… Cùng đi mãi không về " (3).


Phạm Hồng Thủy
Tháng 4/2010

www.doanhnhansaigon.vn

(1) Tuyệt tình ca – Cải lương, soạn giả Hoa Phượng và Ngọc Điệp
(2) Chuyện tình Lan và Điệp – Cải lương, soạn giả Loan Thảo và Thế Châu
(3) Boléro qua bắc Cần Thơ – Vũ Đức Sao Biển
sauhong
sauhong

Libra Tuổi : 63
Đến từ : Hochiminh City
Tổng số bài gửi : 37
Điểm : 40
Đã Được Cảm Ơn : 0
Registration date : 05/08/2008

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết