Văn AK5
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Thương tiếc ông Sơn Nam - người con ưu tú của đất Nam bộ

2 posters

Go down

Thương tiếc ông Sơn Nam - người con ưu tú của đất Nam bộ Empty Thương tiếc ông Sơn Nam - người con ưu tú của đất Nam bộ

Bài gửi by sauhong 14/08/08, 07:53 am

Hạt bụi trở về với đất quê

Tôi biết ông từ “Hương rừng Cà Mau”. Năm đó tôi học lớp đệ thất Trường trung học Trà Ôn. Hương rừng Cà Mau do anh tôi mang về. Anh tôi ra tỉnh học Trường Sư phạm Vĩnh Long, mỗi lần về thăm nhà anh hay mang sách báo, tài liệu về đọc, đọc xong anh bỏ lại cho mấy đứa em. Trong một lần lục lọi đống sách báo cũ, tôi bắt gặp Hương rừng Cà Mau nằm lẫn lộn trong đó. Tôi đọc một mạch hết cuốn sách và bắt đầu yêu mến cái tên Sơn Nam. Yêu mến những đất và người, những chi tiết đơn sơ, mộc mạc mà như cổ tích trong những câu chuyện ông viết. Đó là những chuyện kể rất xa lạ nhưng cũng rất gần gũi, bởi vì hình như nó đã tồn tại đâu đó trong tiềm thức của mỗi chúng ta.

Ở gần xóm tản cư của tôi có ngôi đình thờ vị quan ngày xưa có công khái phá vùng đất này. Thỉnh thoảng có gánh hát cải lương về hát ở ngôi đình đó. Những gánh hát đó thường sống trên mấy chiếc ghe cũ kỹ , nhếch nhác với những mãng màu loang lỗ hai bên vách mui. Tôi và bọn trẻ trong xóm không có tiền mua vé, thường hay tới đó “coi cọp” mỗi khi gánh mở màn. Rạp hát được bao quanh bằng mấy tấm tôn lỗ chỗ những lỗ đạn hoặc miễng bom máy bay. Mấy cái lỗ đó chính là nơi bọn trẻ con ghé mắt vào coi. Thích nhất là coi phía hậu trường, nơi diễn viên trang điểm, gặp hôm có màn múa sexy (thường là để câu khách mỗi khi ế vé hoặc múa theo yêu cầu của mấy tay xã trưởng hoặc trưởng ấp ở địa phương), bọn trẻ bị một phen đỏ mặt, ù chạy vì xấu hổ khi trông thấy cô vũ nữ thay đồ. Tôi kể dài dòng để nói đến cái từ “coi cọp” mà ông giải thích trong truyện hát bội giữa rừng U Minh, ông viết như vầy:

"Câu chuyện hát bội hồi xưa tới đây cũng khá dài rồi. Nhưng chưa hết, vì còn mấy ông cọp nọ. Có lẽ mấy ông mê hát bội hơn loài người. Chừng một hai tháng sau, cái sân khấu nọ tốc nóc, bao nhiêu nọc tràm làm hàng rào đã lung lay ngả nghiêng trên dòng nước, chừng đó người ta thấy một đôi ông cọp thường tới lui ngồi cú rũ dựa gốc cây gừa bên bờ rạch. Nhất là đêm có trăng, mấy ông le lưỡi dài thòn, như nhớ tiếc bao nhiêu con mồi ngon, bao nhiêu tiếng kèn tiếng trống. Biết đâu về sau này mấy tiếng "coi hát cọp" là do sự tích của mấy ông hồi xưa không chừng!".

Vậy đó, chuyện ông kể về một thời khẩn hoang xa xưa của ông cha ta nghe như huyền thoại nhưng lại rất gần gũi, mộc mạc mà chan chứa ân tình như những câu chuyện của bà ngoại tôi hay của ông Tư chủ đất, bà Năm vú sữa hàng xóm kể cho bọn trẻ xóm tản cư nghe vào những đêm trăng về.

"muỗi vắt nhiều hơn cỏ
chướng khí mù như sương
thân không là lính thú
sao chưa về cố hương
chiều chiều nghe vượn hú
hoa lá rụng buồn buồn
tiễn đưa về cửa biển
những giọt nước lìa nguồn
đôi tâm hồn cô tịch
nghe lắng sầu cô thôn...
"

Những năm học ở Trường Tiểu học Bồ đề Phước Hậu, ngoài học ráp vần, các nhà sư còn dạy bọn trẻ chúng tôi những điều hay lẽ thiệt trong “Quốc văn giáo khoa thư” mà cho đến bây giờ, những điều cơ bản đó của “đạo làm người” như lời các nhà sư, vẫn còn in dấu trong lời ăn tiếng nói và cách hành xử của chúng tôi. Tôi nhớ nhất là mỗi buổi tan trường, thực hành theo lời thầy dạy, bọn trẻ chúng tôi gặp người lớn phải giở nón cúi chào. Chúng tôi làm như vậy trên suốt đoạn đường từ trường về nhà (may mà con bờ mẫu vắt ngang đồng thưa người, chớ đông như đường lớn chắc chào… mỏi cổ luôn). Về đến nhà bao giờ cũng là cái câu: “Thưa bà, thưa ba, thưa má, thưa anh, thưa chị… con đi học mới dìa” và ngược lại, trước khi rời khỏi nhà đi học cũng là cái câu đó… Còn rất nhiều những điều dạy trong quyển "giáo khoa thư”, tuy đơn giản, nhưng rất thấm thía, thấm tận cho đến khi chúng ta đã đến tuổi về chiều.

Tôi thích nhất cái truyện “Tình nghĩa giáo khoa thư” của ông. Chuyện kể về một nhà báo ở Sài Gòn làm “đặc phái viên” cho tòa soạn Chim Trời về Cà Mau tìm “ông độc giả Trần Văn Có thiếu sáu tháng tiền báo tức là hai đồng sáu cắc rưỡi” để đòi tiền. Trên đường đến nhà Tư Có, nhà báo nghe biết bao chuyện “không bình thường” về cái tay sống giữa rừng mà sáng tác và đọc báo năm này. Khi gặp nhau thì cả hai bỗng thành “tri kỷ” bởi trong ruột của họ chứa đầy “Quốc văn giáo khoa thư”. Tôi không có ý định trích dông dài, nhưng khi đọc lại truyện này, tôi không thể trích ngắn hơn, bởi vì trong bụng tôi mấy câu chuyện “giáo khoa thư” ngày xưa cũng đang trỗi dậy, nói không hết nó không “đã”.

“…
- Nhà báo Chim Trời đông người không thầy? Chắc là lớn lắm? Làm sao mà thành chữ được.
- Có thợ chuyên môn ráp từ chữ a, chữ b.
- Trời thần ơi! Biết tới chừng nào mới xong, chắc là thợ đông lắm... Còn mấy ông chủ nhiệm, chủ bút, phóng viên... Chắc làm việc rần rộ ngày đêm.
Thầy phái viên sực nhớ đến tình trạng loe hoe của tòa soạn, gật đầu lần nữa.
- Làm báo thì cần nhiều trí óc lắm phải không thầy phái viên? Tiếc là hồi nhỏ cha tôi chết sớm. Hồi đó, ổng làm thầy giáo cũng đặt thơ bát cú, từ cứ. Cha tôi chết, má tôi giữ mấy pho sách, dạy lại tôi. Ðó là sách Quốc văn giáo khoa thư, thầy còn nhớ không?
Thầy phái viên cười:
- Nhớ chớ. Làm sao mà quên được! Hồi nhỏ tôi hớt “ca rê”, tay xách tòn ten bình mực đi học ở trường làng. Hồi đó, trí óc minh sáng suốt, nhớ dai lắm. Bây giờ lớn tuổi, đầu bạc hoa râm, đi làm ăn rày đây mai đó, nhớ nhà, nhớ trường học, nhớ làng xưa.
Tư Có nói:
- Chắc là thầy muốn nói bài “chốn quê hương đẹp hơn cả” chớ gì?
Rồi chú đọc một hơi:
- Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm, láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi: ông đi du sơn du thủy...
- Ðó đa! Ðó đa! Anh Tư nhớ kỹ quá... Người du lịch mới trả lời: ở chốn quê hương... từ cái bụi tre ở xó vườn cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi cho tôi những mối cảm tình chứa chan... Bài đó có hình ông già mang kiếng, chống gậy nói chuyện với mấy người khăn đống áo dài.
- Thì hình nào cũng khăn đóng áo dài. Trừ ra cái hình thằng nhỏ chăn trâu cầm roi: ai bảo chăn trâu là khổ... Không, chăn trâu sướng lắm chứ.
Thầy phái viên phụ họa theo như cùng hợp xướng:
- Ðầu đội nón mê như lọng che, tay cầm cành tre như voi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tôi nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượng trên đám cỏ...
Rồi thầy kéo qua những đoạn khác mà thầy nhớ:
- Hay quá! Nhà báo bây giờ không ai bằng. Văn chương như vậy là cảm động lòng người... Như cái hình ông già đẩy xe bò lên dốc, có hai đứa học trò kéo dây tiếp sức. Trời nắng to. Ðường thì dốc. Một ông lão đẩy cái xe lợn. Trên xe có ba bốn con lợn to, chân trói bụng phơi và mồm kêu eng éc...
Tư Có vỗ trán:
- Còn ông già khuân tảng đá nữa, thấy mà thương: Trời nhá nhem, chạng vạng tối, tôi thấy một ông cụ già hì hục khuân tảng đá. Ông cụ nhắc lên để xuống đến bốn năm lần mới đem được từ giữa đường đến chỗ bụi cây mà bỏ đấy... Lão đi lỡ vấp phải tảng đá này, sầy cả chân đau lắm nên khuân bỏ vào đây, sợ có người vấp nữa chăng.
Thầy phái viên lại không chịu rằng mình kém trí nhớ:
- Ngang hình ông già đó, trương phía tay trái có bài chọn bạn mà chơi, thói thường gần mực thì đen. Cha chỉ ngón tay, con đứng khoanh tay cúi đầu mà nghe. Dưới chót lại có hàng chữ: Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.
Tư Có gật đầu:
- Ðó là ngụ ý răn đe gương tốt thói xấu. Phải siêng năng như Sửu chăm học, ngồi bên đèn mà đọc sách; đừng lười biếng như thằng Bình đánh vòng. Phải bền chí học hành. Ờ thầy phái viên chắc nhớ cái hình con kiến tha mồi! Văn chương nghe như đờn Nam Xuân: Nước mềm, đá rắn thế mà nước chảy mãi đá cũng phải mòn. Sợi dây nhỏ, cây gỗ lớn, vậy và dây cưa mãi cũng đứt. Con kiến nhỏ, cái tổ to, thế mà kiến tha lâu cũng đầy tổ. Người ta cũng vậy...”.


****

Khi làm biên tập viên cho Nhà xuất bản Cửu Long, tôi được đôi lần gặp ông, nghe ông kể chuyện. Những lần như vậy luôn để lại trong tôi một sự ngưỡng mộ. Những câu chuyện kể hóm hỉnh của ông sau này thường được mọi người “đồ” lại như một giai thoại. Có thể được “thêm mắm dặm muối” chút đỉnh nhưng cái cốt lõi của những câu chuyện đó rất Sơn Nam. Chẳng hạn như ông kinh nghiệm: Muốn phân biệt dân Gò Vấp “bản xứ” với dân “nhập cư” dễ lắm, ra đường khi nghe tiếng máy bay, hễ người nào ngước nhìn lên trời thì chắc mẻm không phải dân “bản địa” rồi.
Những câu chuyện về ông như vậy sẽ rất dài và phong phú như những vùng đất, con đường, góc phố… đã từng in dấu chân ông.

Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê


Hạt bụi đã về với đất quê.
Xin kính đôi dòng vĩnh biệt ông!


Phạm Sáu Hồng
sauhong
sauhong

Libra Tuổi : 63
Đến từ : Hochiminh City
Tổng số bài gửi : 37
Điểm : 40
Đã Được Cảm Ơn : 0
Registration date : 05/08/2008

Về Đầu Trang Go down

Thương tiếc ông Sơn Nam - người con ưu tú của đất Nam bộ Empty Re: Thương tiếc ông Sơn Nam - người con ưu tú của đất Nam bộ

Bài gửi by phanthanhnhon 15/08/08, 04:59 am

Thương tiếc ông Sơn Nam - người con ưu tú của đất Nam bộ Images61946_NhavanSonNam Thương tiếc ông Sơn Nam - người con ưu tú của đất Nam bộ 10_10_28_43_481 Thương tiếc ông Sơn Nam - người con ưu tú của đất Nam bộ NhavanSonNam Thương tiếc ông Sơn Nam - người con ưu tú của đất Nam bộ ThiVanSi_Son_Nam Thương tiếc ông Sơn Nam - người con ưu tú của đất Nam bộ Poster-SN-sn_sau

Thương tiếc ông Sơn Nam - người con ưu tú của đất Nam bộ 75172963-161379_Sonnam-2 Thương tiếc ông Sơn Nam - người con ưu tú của đất Nam bộ Images27931_SonNam_240904 VÀI HÌNH ẢNH VỀ NHÀ VĂN SƠN NAM
phanthanhnhon
phanthanhnhon
Người Quản Lý
Người Quản Lý

Libra Tuổi : 63
Đến từ : Đồng Tháp
Tổng số bài gửi : 589
Điểm : 2012
Đã Được Cảm Ơn : 2
Registration date : 27/07/2008

https://vanak5.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết